30% lao động lương không đủ sống: Tại chất lượng lao động?

  • 02/05/2019
  • 6416

Sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, ở vị trí nào sẽ được hưởng công theo vị trí đó.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề nói như vậy khi trao đổi về Báo cáo tình hình lao động, việc làm năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chất lượng lao động có vấn đề

PV: - Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, việc làm 2018 và đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu về lao động, việc làm 2019 cho biết, tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 15,7 - 16 triệu lao động trong các loại hình doanh nghiệp (công nhân lao động) nhưng trong số đó có khoảng 30% công nhân lao động có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2018 cũng cho thấy, chỉ có 51,3% công nhân lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, vẫn còn 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ chi tiêu, vẫn phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Có 46% công nhân đang bức xúc vì tiền lương, thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.

Có khoảng 2/3 số công nhân lao động, hầu hết tập trung ở nhóm lao động trực tiếp, chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại, thậm chí có tới 1/3 có thái độ tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ và hành động.

Ông bình luận ra sao về những thực tế trên? Đây có phải là kết quả của ‘nhân lực gia công giá rẻ' mà Việt Nam đang phải đối mặt không? Nếu vậy, những con số trên đã phản ánh hết sự thật chưa?

PGS.TS Mạc Văn Tiến: - Trước hết tôi cho rằng, việc một tổ chức, một đơn vị đứng ra thực hiện khảo sát, nhằm đưa ra đánh giá, cảnh báo về một hiện tượng, một sự việc xã hội là cần thiết. Việc khảo sát phải làm rõ mục đích, mục tiêu, cũng như các tiêu chí, tiêu chuẩn, đối tượng tham gia vào quá trình điều tra để có kết quả đánh giá khách quan, thực tế nhất.

30% lao dong luong khong du song: Tai chat luong lao dong?
PGS.TS Mạc Văn Tiến. Ảnh: Biên phòng

Tạm bình luận từ những số liệu trong báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Công nhân và Công đoàn, theo báo cáo này, cả nước có khoảng 15,7 - 16 triệu lao động trong các loại hình doanh nghiệp (công nhân lao động), nhưng có 51,3% công nhân lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, vẫn còn 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ chi tiêu, vẫn phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Có 46% đang bức xúc vì tiền lương, thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.

Có khoảng 2/3 số công nhân lao động, tập trung hầu hết ở nhóm lao động trực tiếp, chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại, thậm chí có tới 1/3 có thái độ tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ và hành động.

Bản thân những số liệu này đã cho thấy sự không rõ ràng, các chỉ số mang nặng định tính mà chưa cụ thể hóa, lượng hóa được. Ví dụ, hơn 51% lao động có thu nhập vừa đủ, vậy vừa đủ ở đây là thế nào? Thực tế quan sát, tôi thấy đời sống, chất lượng lao động Việt Nam trong năm 2018 đã có nhiều cải thiện, nhưng để nói là đã tốt chưa hay đã đáp ứng được nhu cầu hay chưa thì không thể khẳng định. Nhu cầu rất vô cùng, phải tùy thuộc vào đánh giá trên từng khu vực kinh tế, từng đối tượng, từng hoàn cảnh, không thể đánh giá chung chung rồi đưa ra kết luận là tốt hay chưa tốt, đủ hay không đủ được.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết có khoảng 2/3 số công nhân lao động, hầu hết tập trung ở số lao động trực tiếp, chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại. Đây là vấn đề cần quan tâm.

Không bình luận sai đúng về số liệu, nhưng thực tế cho thấy, chất lượng việc làm của Việt Nam đang có vấn đề.

Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, nhưng giá trị thực nhận lại rất thấp, chủ yếu vẫn lấy công làm lãi.

Trong các lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế vài năm trở lại đây, phần lớn trong số đó đều là các ngành sản xuất mà Việt Nam chỉ giữ vai trò gia công, lắp ráp, điển hình như: sản xuất điện thoại, máy tính, dệt may, da giày… Theo lý thuyết, nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào gia công, xét trên phạm vi quốc tế thì đó chính là sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, ở vị trí nào sẽ được hưởng công theo vị trí đó. Do có trình độ, công nghệ thấp, việc chỉ đảm nhận ở khâu gia công, giá trị gia tăng thấp, lương thấp là hợp lý.

Về phía nhà đầu tư, nếu trả lương cao hơn, chi phí sản xuất sẽ tăng, khả năng cạnh tranh thấp, nhà đầu tư thiệt. Xét về mặt tâm lý, các nhà đầu tư luôn mong muốn chi phí bỏ ra phải thấp nhất, nhưng lợi nhuận mang về phải cao nhất, họ không thể trả công cao cho một nền kinh tế gia công. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật tiền lương. Nói như vậy để thấy ở đây có vấn đề từ mô hình phát triển kinh tế, nếu nhìn từ góc độ này, số liệu trên có lẽ còn chưa phản ánh hết sự thật.

Theo http://baodatviet.vn