Dịch vụ tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm bằng tin nhắn

  • 11/04/2019
  • 4998

(LĐTĐ) Bắt đầu từ tháng 4/2019, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có thể tự tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của mình thông qua dịch vụ tin nhắn trên điện thoại di động. 

Theo đó, nhằm hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị thuận tiện trong việc theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT của mình, mới đây, BHXH Việt Nam đã có Công văn 330/CNTT-PM cung cấp hình thức tra cứu quá trình đóng BHXH, BHYT bằng tin nhắn.

Các cá nhân, đơn vị muốn tra cứu thời gian tham gia BHXH, soạn: TC BHXH {mã số bảo hiểm xã hội} gửi 8179. Nội dung tin nhắn nhận được sẽ bao gồm thông tin: Mã số BHXH, thời gian tham gia BHXH; thời gian tham gia BHTN.

Để tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian, soạn: TC BHXH {mã số bảo hiểm xã hội} {từ tháng-năm} {đến tháng-năm} gửi 8179. Nội dung tin nhắn nhận được sẽ bao gồm thông tin: Mã số BHXH, thời gian tham gia BHXH (Tổng thời gian tham gia BHXH; Tổng thời gian tham gia BHTN)

Để tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian theo năm, người tham gia soạn: TC BHXH {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi 8179. Nội dung tin nhắn nhận được sẽ bao gồm: Mã số BHXH, thời gian tham gia BHXH; thời gian tham gia BHTN

Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT, soạn: TC BHYT {mã thẻ bảo hiểm y tế} gửi 8179. Nội dung tin nhắn nhận được: Mã thẻ, nơi ĐKKCB BĐ, giá trị sử dụng, thời điểm đủ 05 năm liên tục.

Về thủ tục tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ, người tham gia cần soạn: TC HS {mã hồ sơ} gửi 8179. Nội dung tin nhắn nhận được: Số hồ sơ, quá trình BHXH xử lý hồ sơ.

Với việc triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện, BHXH Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của Ngành; giúp người dân, người lao động chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.