Thúc đẩy tiếp cận cơ hội việc làm trong ASEAN

  • 04/04/2019
  • 6398

Với vai trò là Cơ quan chủ trì việc rà soát thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) và Khung tham chiếu Trình độ trong ASEAN (AQRF) tại Việt Nam, ngày 28/3/2019 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH tổ chức Hội thảo quốc gia về Khung tham chiếu Trình độ và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong ASEAN nhằm triển khai việc rà soát.

Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, tổ chức quốc tế như ILO, IOM, EU, GIZ…, đại diện các Bộ ngành, các trường Đại học và trường nghề tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết đây là Hội thảo khởi động cho việc triển khai thực hiện Khung tham chiếu trình độ và các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, là tiền đề cho các cuộc thảo luận sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng, hiện nay, các nước thành viên đang áp dụng Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong phạm vi của 8 lĩnh vực ngành nghề gồm: y khoa, nha khoa, điều dưỡng, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, khảo sát và du lịch.

“Song trên thực tế việc tiếp cận các cơ hội việc làm đối với mỗi quốc gia thành viên thực sự không dễ dàng, nhất là đối với những quốc gia có xuất phát điểm kinh tế, trình độ, chất lượng nhân lực thấp, sự cạnh tranh khó khăn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định.

Thứ trưởng nhấn mạnh, số việc làm trong 8 lĩnh vực ngành nghề này cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số việc làm mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại, và mới chỉ có tác động ngắn hạn trong một chừng mực nhất định.

Hỗ trợ các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, ASEAN đã xây dựng Khung Tham chiếu trình độ ASEAN để các trình độ có thể so sánh giữa các nước thành viên khi cung cấp một chuẩn gắn kết đã được các Bộ trưởng ASEAN về Kinh tế, Giáo dục và Lao động phê chuẩn hoàn tất vào tháng 5 năm 2015.

Trong tiến trình chung của khu vực, Khung trình độ quốc gia Việt Nam gồm 8 bậc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1982 ngày 18/10/2016.

“Khung trình độ quốc gia của chúng ta đã đảm bảo thiết lập mối quan hệ giữa các trình độ Việt Nam với Khung trình độ quốc gia của các nước khác, thông qua việc khung tham chiếu trình độ ASEAN và khung trình độ quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ”, Thứ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý, việc thực hiện Khung trình độ quốc gia tại Việt Nam cũng gặp một số thách thức, đó là triển khai mất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều nguồn lực; cần phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, và cần có sự tham gia chặt chẽ của nhà tuyển dụng và các bên có liên quan.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, cho biết về tiến độ thực hiện MRA và AQRF trong ASEAN, chuyên gia cao cấp về kỹ năng và việc làm của ILO, bà Akiko Sakamoto cho biết, Cộng đồng AEC cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề, nhưng mỗi ngành nghề lại có những điều kiện riêng mà các nước phải thỏa thuận để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng khung đánh giá tiêu chuẩn thống nhất.

Trong khi đó, cũng theo bà Akiko Sakamoto, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại khoảng cách. Chưa kể, việc dịch chuyển nội khối còn hạn chế, chưa thông suốt bởi các nước đã có những sự phòng vệ nhất định.

“Đó là các quy định về giấy phép lao động và quy định của từng quốc gia trong AEC. Tức là khi vượt qua được rào cản về kỹ năng chung, người lao động còn phải vượt qua rào cản kỹ thuật của riêng từng nước cũng như còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường lao động ở nước đó”, chuyên gia của ILO cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) khẳng định MRA và AQRF là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy lao động dịch chuyển lớn hơn trong khu vực, tuy nhiên quốc gia nào cũng có rào cản nhất định như thể chế chính trị, văn hóa xã hội, ngôn ngữ…

Ông Việt nhấn mạnh thêm, mục đích của AQRF là tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia; hỗ trợ công nhận các trình độ; thúc đẩy học tập suốt đời; khuyến khích phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy; thúc đẩy dịch chuyển lao động; khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học; dẫn đến các hệ thống trình độ được hiểu biết tốt hơn; tăng cường các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu đã cùng rà hành rà soát, tổng hợp và đánh giá việc thực hiện Khung tham chiếu trình độ và các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Từ đó, đưa ra những đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nội dung trên tại Việt Nam.

 Với nhiều ý kiến được đề xuất, các đại biểu hi vọng các sáng kiến đưa ra sẽ thúc đẩy triển khai việc thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong nước, góp phần tạo thuận lợi cho người lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trong khu vực với mức lương và điều kiện lao động tốt hơn.

Nguồn: http://molisa.gov.vn