Bỏ chuyên viên cao cấp để xếp lương theo vị trí việc làm?

  • 01/04/2019
  • 6831

VOV.VN - Thực tế cho thấy, nhiều vị trí việc làm hiện nay trong hệ thống chính trị không cần tới chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính.

Mỗi cơ quan cần bao nhiêu chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính? Đây là câu hỏi rất khó trả lời đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương. Bởi số lượng người làm việc trong hệ thống chính trị ở nước ta từ nhiều năm nay đều do “chỉ tiêu biên chế” tạo ra.

Mặt trái của “chỉ tiêu biên chế” là “tuyển người trước, sắp xếp việc làm sau”. Cách làm này đi ngược với khoa học về tổ chức bộ máy và sắp xếp nhân sự. Nhưng nó tồn tại lâu nay là do “nhiều người được hưởng lợi”, còn Nhà nước và nhân dân thì thiệt hại; bộ máy ngày càng phình to; ngân sách ngốn hàng ngàn tỉ mỗi năm cho việc trả lương và chi thường xuyên… mà hiệu quả công việc lại không cao.

Tương tự, số lượng chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương cũng được bố trí theo “chỉ tiêu” hàng năm, căn cứ nhu cầu tự thân của những người “đủ điều kiện” mà không xét đến nhu cầu vị trí việc làm của cả bộ máy.

bo chuyen vien cao cap de xep luong theo vi tri viec lam? hinh 1
Ảnh minh họa.

Khó có thể tìm thấy số liệu chính xác, nhưng chắc chắn số lượng chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương trong hệ thống chính trị nước ta ngày càng tăng.

Câu hỏi đặt ra là: Sau mỗi kỳ thi chuyển ngạch trở thành chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương, thì trình độ quản lý và trình độ chuyên môn của đội ngũ này có thực sự tăng lên hay không? Tuy chưa có cuộc điều tra bài bản, khách quan nào được công bố để có kết quả đánh giá chính xác, nhưng người dân và doanh nghiệp thì có thể thấy rõ.

Chẳng hạn, chất lượng văn bản pháp luật trong từng lĩnh vực quản lý Nhà nước chưa được cải thiện. Mỗi năm có tới hàng ngàn văn bản sai cả về nội dung lẫn thẩm quyền, sai cả hình thức và trình tự ban hành, nên đã từng xảy ra tình trạng “văn bản trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Vậy trong số văn bản kém chất lượng đó, có bao nhiêu chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính tham gia soạn thảo, tham mưu hoặc ký ban hành?

Một lĩnh vực nhạy cảm khác, đó là cải cách hành chính dù đã được ghi nhận có nhiều tiến bộ so với trước, song theo “Báo cáo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” của VCCI năm 2018 cho thấy, vẫn còn 58,2% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết thủ tục; 54,8% cho biết phải mất tiền “bôi trơn”.

Vậy, với con số đáng buồn này, thì tỉ lệ chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính tham gia thực hiện trực tiếp hay gián tiếp chiếm bao nhiêu phần trăm?

Từ logic đó, sẽ đặt ra vấn đề: chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương thực sự cần thiết ở những vị trí việc làm nào trong cơ quan? Và mỗi cơ quan cần bao nhiêu người là đủ? Bởi thực tế cho thấy, nhiều vị trí việc làm hiện nay trong hệ thống chính trị không cần tới chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính. Nghĩa là không có cũng không sao.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều người cố gắng thi tuyển để trở thành chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương đều có hai lý do chủ yếu: Một là, được “nhảy” bậc lương cao hơn; hai là tâm lý muốn được “oai” hơn khi mang danh này. Còn thực tiễn họ có nâng cao trình độ thật sự hay không, có làm việc chất lượng hơn so với trước hay không thì rất khó đo đếm.

Vì vậy, việc nâng ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và tương đương trong hệ thống chính trị nước ta cần được tổng kết, đánh giá thật khoa học, chính xác để có điều chỉnh phù hợp. Khi cần thiết nên bỏ để sắp xếp lương theo vị trí việc làm và hiệu quả, chất lượng công việc trong thời gian tới./.

Theo "https://vov.vn"