Điều chỉnh để Luật Giáo dục đại học sửa đổi sát thực tế

  • 29/03/2019
  • 5491

Ngày 1-7-2019, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật GDĐH sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, các trường ĐH góp ý cho dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật GDĐH sửa đổi. 

Rất nhiều ý kiến bằng văn bản của các trường đại học (ĐH) đã được chuyển về Bộ GD-ĐT để góp ý cho dự thảo. 

Nhiều nội dung nóng 

Dự thảo quy định chi tiết về điều kiện để các trường ĐH liên kết thành ĐH. Cụ thể gồm: có ít nhất 3 trường ĐH đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tham gia liên kết; các trường này phải cùng loại hình (trừ trường hợp trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành ĐH tư thục không vì lợi nhuận). Bên cạnh đó phải có: Nghị quyết của hội đồng các trường; Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH do các trường cùng xây dựng; Ý kiến chấp thuận của cơ quan trực tiếp quản lý các trường công lập hoặc các nhà đầu tư đối với trường tư thục; Ý kiến đồng ý của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trường. 

Dự thảo cũng đưa ra điều kiện để thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH gồm: có tối thiểu 5 ngành thuộc cùng một nhóm ngành đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó tối thiểu 3 ngành đang đào tạo trình độ tiến sĩ, đã cấp bằng tiến sĩ; có quy mô đào tạo từ 3.000 người trở lên. Hồ sơ thành lập trường phải có văn bản đồng ý của cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục ĐH công lập, hoặc sự đồng thuận của nhà đầu tư với trường tư thục. Tuy nhiên theo dự thảo này, hội đồng trường của cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH.

Theo quy định của dự thảo, một cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu cần đạt các tiêu chí cụ thể. Trong đó, tỷ lệ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không dưới 50% tổng số chương trình đào tạo cấp bằng. Quy mô người học 2 bậc này không ít hơn 25% tổng quy mô đào tạo và cấp tối thiểu 20 bằng tiến sĩ mỗi năm. Tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 25% tổng thu của cơ sở. Đặc biệt, trường phải công bố tối thiểu 100 bài báo ISI/Scopus mỗi năm và đạt tỷ lệ trung bình 0,3 bài/năm/giảng viên trong 3 năm gần nhất. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu.

Phải điều chỉnh cho sát thực tế

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng dự thảo còn một số nội dung cần phải hoàn thiện. Cụ thể, quy định tại khoản 4 Điều 4 về thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH không hợp lý, không thực tế. Bởi lẽ: trường chỉ là một đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục ĐH nên không thể có điều kiện thành lập ngặt nghèo hơn một trường ĐH. Trường ĐH có thể là trường đơn ngành (1 ngành) và khi thành lập có thể chưa có chương trình đào tạo sau ĐH. Vậy thì lý do gì các trường trực thuộc lại phải là trường đa ngành (ít nhất 3 ngành) và phải đào tạo trình độ tiến sĩ? Thực tế, trên thế giới đã có những ĐH có các trường thành viên là trường đơn ngành và chỉ đào tạo bậc ĐH (theo hướng nghề nghiệp, ứng dụng), hoặc chỉ đào tạo bậc sau ĐH.  

Về quy định ĐH theo định hướng nghiên cứu tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo, cách định lượng này là cách soạn văn bản pháp quy ngây thơ và lỗi thời. Vấn đề đào tạo tiến sĩ không thể dựa vào số lượng để khẳng định đẳng cấp. Trong những năm qua, một trong các vấn đề xã hội quan tâm là Việt Nam có những đơn vị đào tạo tiến sĩ theo kiểu “lò ấp trứng” và cho ra đời hàng loạt tiến sĩ bất phân chất lượng. Vậy, tiêu chí số lượng tiến sĩ đào tạo theo năm liệu có thể là tiêu chí định lượng hiệu quả hay không? 

Th.S Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, góp ý: “Với khoản 4 Điều 4 thì cần làm rõ hơn vấn đề trường nằm trong trường, ở đây được hiểu là trường ĐH nằm trong trường ĐH. Vậy còn các đơn vị đào tạo khác nằm trong trường thì như thế nào? Ví dụ như những trường muốn thành lập dạng tổ chức giáo dục nhiều cấp thì có được hay không? Vấn đề thứ hai là việc có hiệu lực của các tổ chức kiểm định nước ngoài. Trong trường hợp các tổ chức kiểm định nước ngoài kiểm định trường, ngành của các trường trong nước mà chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì chứng nhận kiểm định đó có được công nhận hay không? Vấn đề thứ ba là câu chuyện tự chủ. Theo hướng dẫn thì các trường được rất nhiều quyền tự chủ, nhưng thực tế thì vẫn bị ràng buộc bởi những luật, nghị định, thông tư ở những bộ, ban ngành khác. Nếu không có sự thay đổi đồng loạt trong hệ thống văn bản luật thì vẫn còn nhiều khó khăn cho các trường trong việc vận hành, đặc biệt là trong khâu đầu tư phát triển”...

                                                                                                                                                                                                                          THANH HÙNG