Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động quay lại thị trường

  • 25/03/2019
  • 7038

Nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ là một trong những quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Chính sách này cần hướng người lao động vào việc hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm.

Lao động tham gia BHTN tăng

Thông tin về tình hình tham gia BHTN của người lao động hiện nay, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, số người tham gia BHTN đang tăng dần qua các năm, nhất là từ khi Luật Việc làm có hiệu lực vào năm 2015. Cũng theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến nay số người tham gia BHTN là 12,73 triệu người.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, ngành BHXH phối hợp với ngành LĐTBXH đã giải quyết cho 91.128 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.780 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. 

Theo quy định, người lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng đầy đủ bốn chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ chín tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Trung cho biết, dù số người tham gia BHTN ngày càng tăng, nhưng thực tế là chính sách BHTN hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp người lao động duy trì việc làm và tránh thất nghiệp.

Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

 

 

Liên quan đến những bất cập trong thực hiện chính sách BHTN, ông Lê Quang Trung cho biết, thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Việc làm để sớm trình Quốc hội thông qua Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có nội dung về BHTN.

Việc sửa đổi sẽ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các chính sách, biện pháp để duy trì việc làm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn nhằm tránh sa thải lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN.

Tính nhân văn của chính sách BHTN

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, BHTN là một chính sách rất nhân văn của Nhà nước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

Riêng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2018 đã giải quyết được cho 50.000 lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, hầu hết người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, theo bà Liễu bắt đầu từ năm nay trung tâm này đã mở rộng tư vấn mạng lưới nghề, ngoài những nghề chuyên đào tạo thì trung tâm còn liên kết mở rộng với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh khác để tạo nhiều cơ hội học nghề cho người lao động có thể lựa chọn theo sở thích, đam mê và thuận tiện trong đi lại. 

Nhờ vậy, số lao động học nghề đã có sự gia tăng, tuy nhiên tỉ lệ này vẫn còn khá khiêm tốn so với với số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí có trường hợp một số lao động “chủ động thất nghiệp”, có thể do đã tìm được công việc khác nhưng vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm 2019, Bộ LĐTBXH sẽ rà soát, đánh giá lại, tổng kết việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sẵn sàng cho việc sửa đổi Luật Việc làm khi thực hiện đề án về cải cách chính sách BHXH trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. 

ANH THƯ - BÁO LAO ĐỘNG