Truyền thông bảo hiểm xã hội hướng tới sự chuyên nghiệp

  • 15/03/2019
  • 6091

Hoạt động tuyên truyền, truyền thông được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp… của ngành BHXH đến nhân dân

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc phối hợp truyền thông với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được thực hiện một cách chủ động, tích cực với hơn 10.000 các cuộc đối thoại, tọa đàm, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT và thu hút được sự quan tâm của xã hội.

truyen thong bao hiem xa hoi huong toi su chuyen nghiep
Ngành BHXH xác định hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH

 

Đặc biệt, đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã chủ động nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Trong đó, ngành BHXH Việt Nam đặc biệt ghi nhận sự phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được mở rộng, tiến hành thường xuyên liên tục với độ bao phủ các tin, bài phản ảnh về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp rộng khắp; nội dung, hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều chương trình thông tin được thực hiện sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Thống kê từ BHXXH Việt Nam, đã có hơn 30.000 tin, bài thông tin, phản ánh liên quan trực tiếp đến ngành BHXH qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động và các kết quả mà ngành BHXH đạt được; tiếp tục củng cố vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả hai chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước.

Nhờ triển khai hoạt động tuyên truyền, truyền thông tích cực, năm 2018, số người tham gia BHXH đạt 14,724 triệu người, bằng 102,27% kế hoạch; số người tham gia BH thất nghiệp đạt 12,68%, bằng 101,1% kế hoạch; số người tham gia BHYT đạt 83,515 triệu người, bằng 102,3% kế hoạch, tăng tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5%. Tổng số nợ BHXH phải tính lãi bằng 1,7% so với số phải thu (mức thấp nhất từ trước đến nay).

Với mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, trong năm, toàn ngành BHXH đã rà soát, bàn giao được 13,3 triệu sổ BHXH cho người lao động, đạt 99,28% tổng số người lao động tham gia; giải quyết cho 119.747 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; khám, chữa bệnh BHYT trên 177,6 triệu lượt người với số chi khoảng 99 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH tiếp tục đạt được dấu ấn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH và được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá “thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao; tại Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, ngành có dịch vụ công.

Đặc biệt, năm 2018, với việc tổ chức thành công Hiệp hội An sinh xã hội các nước Đông Nam Á 35, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2018-2019 đã nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước và ngành BHXH với bạn bè quốc tế; khẳng định BHXH Việt Nam là bạn, đối tác quan trọng của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới.

Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông năm 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Đào Việt Ánh yêu cầu toàn ngành tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người dân; tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương để tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao; thông tin, truyền thông phải làm tốt công tác định hướng dư luận; tập trung nhiều hơn vào nội dung người dân quan tâm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là những vấn đề dư luận đang quan tâm và các chính sách mới.

Nội dung tuyên truyền đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường công tác thông tin, truyền thông qua hệ sinh thái Internet; chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông, đặc biệt là kỹ năng tổ chức và sử dụng các hình thức truyền thông mới, trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho cán bộ, cộng tác viên truyền thông từ Trung ương đến địa phương”- ông Đào Việt Ánh đề nghị.

Hoa Quỳnh (congthuong.vn)