Ngành nước với cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 2: Cần kế hoạch cụ thể, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực

  • 13/03/2019
  • 5342
Trong những năm tới, lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và nông thôn cần tới hàng vạn công nhân và cán bộ kỹ thuật.

Trong tổng số nhân lực cần thiết, số người phải qua đào tạo là rất lớn. Đây là một thách thức, đòi hỏi có một kế hoạch cụ thể, đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực này.

Nhu cầu gia tăng

Theo thống kê của Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2020, với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lượng cán bộ cấp thoát nước trình độ kỹ sư cần thiết là 8.500 người và hơn 8.000 công nhân kỹ thuật chuyên ngành để vận hành và bảo trì hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Chính vì vậy, yêu cầu nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực (lực lượng lao động) là phát triển các năng lực: sáng tạo, tạo ra giá trị mới; kỹ năng về kỹ thuật số; sử dụng các thiết bị công nghệ (làm việc trong môi trường) thực ảo; hội nhập (công dân toàn cầu) và bản sắc văn hóa dân tộc; tự học, hợp tác và trách nhiệm xã hội.

Đối với các nhà quản trị doanh nghiệp, ngoài làm tốt 4 chức năng, 3 nhóm vai trò của nhà quản trị doanh nghiệp, còn phải nâng cao các kỹ năng: Thay đổi nhận thức: hãy đón nhận và vận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 ở tâm thế tích cực, chuẩn bị nền tảng với công cụ chiến lược thay vì chỉ cố gắng để không bị nhấn chìm; nhận rõ sự khác biệt giữa lãnh đạo truyền thống với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 về trách nhiệm, hiệu quả công việc, chia sẻ thông tin, chia sẻ các nhiệm vụ và kết nối.

Ở Việt Nam, hiện nay sự chuyển đổi của thời đại đòi hỏi giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp phải tích cực đổi mới, căn bản và toàn diện nhằm nâng cao chất lượng. Do vậy, đào tạo và bồi dưỡng nghề nghiệp chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, chủ động nghiên cứu, cập nhật các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới; trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tiễn và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Các giải pháp phát triển 

Để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, trước mắt cần chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực, cụ thể là nhân lực chất lượng cao theo những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Đặc biệt, đổi mới phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Đội ngũ giảng viên phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai. Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.

Ngoài ra, phải có sự chủ động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động của trung tâm phải đổi mới, sáng tạo, thiết thực và đi cùng với nhịp thở cuộc sống, thoát ly lý thuyết thuần tuý. Do đó, cần xây dựng môi trường dạy và học gắn chặt với môi trường kinh doanh, với thực tiễn đặt hàng của xã hội; cần có kế hoạch, chương trình đào tạo lại, đào tạo tại chỗ để tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực dư, dôi trong quá trình “thông minh hóa doanh nghiệp”. Đây là vấn đề xã hội, doanh nghiệp cần có những đề xuất với Nhà nước để có chính sách xã hội phù hợp đối với người lao động.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng rất quan trọng, bởi khi tiến hành đào tạo phải xác định được nhu cầu đào tạo, xác định được 4 mục tiêu và xây dựng được chương trình, kế hoạch và triển khai đào tạo trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động. Cuối cùng, cần phải đánh giá những kết quả đào tạo bằng cách lấy thông tin phản hồi để kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng có đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chưa? Chính vì vậy, cần xây dựng đội ngũ giảng viên chuẩn về trình độ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, quản lý doanh nghiệp; Xác định nhu cầu, chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại xuất phát từ thực tiễn sản xuất, nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ với các chi hội, các doanh nghiệp hội viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nắm bắt nhu cầu để đáp ứng theo đúng ngành nghề và đặc điểm của từng đơn vị. Học viên phải đúng đối tượng, thực sự có nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại và trong tương lai khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phương thức quản lý.

Theo: https://baotintuc.vn/