Ngành nước với cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 1: Thách thức lớn về nguồn nhân lực

  • 12/03/2019
  • 6240
Cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nước; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách ngành nước...

Những năm gần đây, ngành nước Việt Nam tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn như gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành còn hạn chế, những cực đoan của biến đổi khí hậu (hạn hán, úng lụt, xâm nhập mặn…). 

Phó Giáo sư Tiến sỹ Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, thách thức về công nghệ là cốt yếu bởi thay đổi công nghệ là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu và thị trường lao động, gia tăng sự bất bình đẳng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong ngành nước.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) tăng cường vận hành để tập trung đưa nước lên ruộng phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), mức độ sẵn sàng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện qua các chỉ số và công nghệ của Việt Nam ở mức trung bình thấp (trình độ sản xuất có nơi vẫn áp dụng cách mạng công nghiệp 1.0, nhiều nơi áp dụng 2.0). Trình độ phát triển ở mức thấp cho nên việc “đi tắt đón đầu” hay “nhảy vọt” là điều không hề dễ dàng.

Thách thức về lực lượng lao động cũng là một thách thức không nhỏ bởi quá trình tự động hóa sẽ thực hiện các công việc phổ thông hoặc những công việc nguy hiểm. Khi ấy, con người sẽ chuyển từ vai trò “công nhân lao động phổ thông” sang “người theo dõi và đưa ra quyết định” giải quyết vấn đề sản xuất một cách nhanh chóng, không để gián đoạn dây chuyền.

Đồng thời, nguồn nhân lực cũng tác động đến việc làm, nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ, 86% lao động phổ thông tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, công nhân có nguy cơ mất việc nhiều nhất tới 44%; không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ thuật bậc trung cũng bị ảnh hưởng. Cách mạng công nghiệp 4.0 có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, sẽ làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, thách thức ở chỗ thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, tư duy quản trị, cách vận hành doanh nghiệp cũng như kỹ năng của lực lượng lao động, văn hóa kinh doanh. Các doanh nghiệp phải đối phó qua cắt giảm, sàng lọc nhân sự, nhân lực; đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin, dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp thuần túy số hóa hay doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số); và phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với sự thay đổi cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, yêu cầu nguồn vốn đầu tư và giải pháp đầu tư tối ưu. Chính vì vậy, giải pháp chiến lược đối với doanh nghiệp là cần tìm hiểu, đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp của mình; xây dựng và thực thi chiến lược, mô thức kinh doanh phù hợp với thời đại số (doanh nghiệp số, ngân hàng số).

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không phải công nghệ mà chính là con người với tư duy sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước.

Trong tương lai, trí tuệ và tài năng của người lao động sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất, cốt lõi của sản xuất. Vì vậy, trước hết cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới cơ bản, toàn diện theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển.

Theo ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cấp thoát nước đã phát triển thành lĩnh vực công nghiệp. Nhu cầu cấp nước, thoát nước cho sinh hoạt, sản xuất, cho đô thị và nông thôn đòi hỏi ngày càng cao, hiện nay có khoảng 111 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nước sạch cho các đô thị; 71 doanh nghiệp về dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải đô thị; khoảng 560 nhà máy/trạm xử lý nước cấp đô thị với tổng công suất cấp nước khoảng 8,7 triệu m3/năm; 16.342 công trình cấp nước sinh hoạt cho nông thôn; 41 nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị tập trung; khoảng 70.000 lao động trong ngành nước tại các đô thị Việt Nam.

Do vậy, nguồn nhân lực (lực lượng lao động) trong chuyên ngành cấp nước tương đối ổn định, đã có kinh nghiệm trong hoạt động với công nghệ sản xuất nước sạch truyền thống. Một số doanh nghiệp đã có năng lực quản lý, vận hành nhà máy sản xuất, cung cấp nước sạch với công nghệ mới, tự động hóa cao (sản xuất, quản lý mạng thông minh). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đúng ngành nghề đạt 44%.

Hiện người lao động trong ngành nước đã sử dụng hệ thống SCADA, GIS, công nghệ thông tin, thiết bị thông minh… để nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống cấp nước, giảm thất thoát thất thu nước sạch, tiến tới cấp nước an toàn. Tương lai, quản lý đến từng địa chỉ để thu tiền nước, dự báo chất lượng nước nguồn, quản lý chất lượng nước cấp sinh hoạt, mô phỏng được các tình huống sự cố…

Chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải được xem như một ngành mới, kinh nghiệm quản lý, vận hành còn ít kinh nghiệm, chính thức đi vào hoạt động được khoảng hơn 10 năm. Nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải mới được Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận gần đây (tại Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 2/3/2017).

Vì vậy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là rất lớn, cả về trình độ quản lý, kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Số lượng cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên ngành còn ít, đặc biệt thiếu vắng ở khu vực nông thôn. Chỉ có các công ty tư vấn, công ty xây dựng và các doanh nghiệp cấp thoát nước lớn ở các đô thị có tương đối đầy đủ các kỹ cấp thoát nước làm việc.

Nhìn chung, nguồn nhân lực trong ngành nước còn yếu về kỹ năng như ngoại ngữ; công nghệ thông tin; làm việc nhóm; giao tiếp; tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Theo phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động, phần lớn người học sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng vào làm việc đều phải đào tạo lại.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu, lại phân bố không hợp lý, hơn 92% số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; trong khi đó tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ tỷ lệ này chưa tới 1%. Từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa vào các ngành sử dụng lao động phổ thông giá rẻ, đông về số lượng, hạn chế về chất lượng; năng suất lao động thấp, mất cân đối về cơ cấu và phân bố không hợp lý… Đây là thách thức lớn nhất khi đối diện với cách mạng công nghiệp 4.0.

Bài 2: Cần kế hoạch cụ thể, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực

Theo: https://baotintuc.vn/