Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động

  • 08/03/2019
  • 5825

Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Tuy nhiên một số quy định pháp luật dành riêng cho nữ, dựa trên quan niệm bảo vệ lao động nữ nhưng vô hình trung đang làm mất cơ hội việc làm của lao động nữ.

Đó là những ý kiến được đưa ra tại tọa đàm chính sách về Bình đẳng giới với chủ đề “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động” do cơ quan Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức hôm qua (7/3) nhân Ngày Quốc tế phụ nữ.  

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng giới

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là một trong những trọng tâm mà Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những năm qua, Việt Nam luôn có những hành động tích cực trong việc triển khai chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, trong đó chú trọng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội một cách đa dạng, toàn diện.

Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Năm 2018, Việt Nam giữ tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp, xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 27,2%, cao hơn mức trung bình 19% của châu Á và mức 21% của toàn cầu.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng luôn ở mức cao, khoảng 71,55% - cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%: “Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, trong số người được tạo việc làm mới, lao động nữ chiếm 48%.

Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 1,85%, thấp hơn so với lao động nam. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tiếp cận dịch vụ công cho người dân.

Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Ngoài những rủi ro mà nam giới cũng gặp phải như bệnh tật, thất nghiệp và yếu đuối do tuổi già, phụ nữ phải đối mặt với việc sinh nở và công việc chăm sóc không được trả lương, cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia thị trường lao động. 

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Liên quan đến các quy định pháp luật, TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng có 7 vấn đề trong Bộ luật Lao động cần sửa đổi. Điển hình là việc một số quy định về bảo vệ người lao động chưa được nhận thức đầy đủ, đúng đắn để áp dụng cho cả 2 giới; một số khái niệm quan trọng chưa cụ thể, chưa đảm bảo tính khả thi: “Ví dụ, luật quy định cấm phân biệt đối xử nhưng việc xác định thế nào là phân biệt đối xử, nó là gì lại chưa có quy định rõ ràng. Việc quy định như vậy dẫn tới việc chúng ta đang tự triệt tiêu đi 50% nguồn nhân lực đang có”, ông Vinh nói.

Hay như quy định về việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc. “Thực tiễn trong quy định về mặt luật pháp chưa chỉ rõ cụ thể thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, kéo theo việc nhận diện và hướng xử lý như thế nào chưa được làm rõ”.

Bên cạnh đó, trong luật có một số quy định dành riêng cho nữ, quy định các công việc không được sử dụng lao động nữ dựa trên quan niệm bảo vệ lao động nữ. Song, khi các điều kiện bảo hộ lao động, khoa học công nghệ thay đổi thì người phụ nữ với trang thiết bị tốt thì hoàn toàn có thể đảm nhiệm công việc.

Quy định như vậy vô hình trung làm mất cơ hội việc làm của lao động nữ. “Hoặc quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp đang nuôi con nhỏ. Đây là quy định có vẻ là bảo vệ lao động nữ nhưng thực chất đang làm mất cơ hội việc làm của lao động nữ.

Ví dụ trong trường hợp tôi đang nuôi con nhưng tôi khó khăn quá thì phải tạo cơ hội để khắc phục thì lại cho phép tôi nghỉ việc. Mất công việc tức là mất thu nhập, mất sinh kế có khi còn nguy hiểm hơn là vừa đi làm vừa nuôi con”, ông Vinh phân tích.

Với quy định về tuổi nghỉ hưu, theo TS. Vinh, quy định này hiện chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới… tất cả những quy định trên theo ông Vinh hiện Ban soạn thảo Bộ  luật Lao động đang xem xét để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị như thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ vào đối thoại chính sách liên quan đến hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững; đầu tư vào các lĩnh vực nói trên để tăng năng suất và cơ hội của phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức; chú trọng yếu tố giới trong thu thập dữ liệu để đưa ra các chính sách phù hợp…

Theo: http://baophapluat.vn/