Giáo dục quốc dân phải là một hệ thống mở

  • 07/03/2019
  • 4706

GD&TĐ - Góp ý vào dự thảo Luật GD (sửa đổi), TS Lê Viết Khuyến - Trưởng Ban hỗ trợ chất lượng GDĐH (Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam) đề xuất, hệ thống GD quốc dân phải là một hệ thống GD mở, gồm GD chính quy và GDTX.

Tạo cơ chế liên thông trong toàn hệ thống giáo dục

TS Lê Viết Khuyến phân tích, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới hệ thống GD theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT; chuẩn hoá, hiện đại hoá GD-ĐT. Đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD-ĐT, đồng thời GD-ĐT phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Tuy nhiên cho tới nay, mặc dù đã hơn 5 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống GD mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau khi giải thích về nó. Bởi vậy rất cần phải nhanh chóng làm rõ khái niệm này để Nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống.

TS Lê Viết Khuyến dẫn giải, trong Báo cáo của Ủy ban Cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc các nhà chiến lược GD của Hàn Quốc đã đưa ra định nghĩa khá cụ thể: Hệ thống GD mở là một hệ thống GD mở rộng cửa đối với mọi người, vượt qua những hạn chế về thời gian và địa điểm, có mục tiêu cuối cùng là kiến tạo “một nền GD hoàn hảo” để đảm bảo sự hoàn thiện của mỗi công dân.

TS Lê Viết Khuyến

Theo TS Lê Viết Khuyến, hệ thống GD đó sẽ mang những đặc tính như: Tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình GD này sang một chương trình GD khác hoặc chuyển từ một chuyên ngành đào tạo này sang một chuyên ngành đào tạo khác. Nói khác đi là tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống.

Nhờ vậy, mọi người có thể dễ dàng theo học chương trình phù hợp nhất tùy thuộc vào sở thích, năng lực cá nhân và các biến động trong thị trường nhân lực. Mặt khác, tạo ra một hệ thống ngân hàng tín chỉ có nhiệm vụ tích lũy các tín chỉ mà người học đạt được trong tiến trình học tập của mình. Cùng với đó, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận GD.

 Ảnh minh họa/ Internet

Thích ứng với hội nhập quốc tế

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, hệ thống GD quốc dân thể hiện ở các luật về GD hiện hành bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nếu không được sửa đổi kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của GD Việt Nam. Trước hết, phải nói hệ thống đó không đáp ứng kịp một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29 như: Hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng GD mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT;

Đẩy mạnh phân luồng sau THCS, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ GD THPT và tương đương; Định hướng nghề nghiệp ở THPT; Thực hiện phân tầng cơ sở GD đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng - thực hành; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

TS Lê Viết Khuyến đề nghị, hệ thống GD quốc dân ở Điều 4 Luật GD cần được sửa đổi như sau: Hệ thống GD quốc dân phải là một hệ thống GD mở, gồm GD chính quy và GD thường xuyên. Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống GD quốc dân bao gồm: GD mầm non (có nhà trẻ và mẫu giáo); GD tiểu học; GD trung học (có THCS và trung học toàn phần; Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: THPT và trung học hướng nghiệp. GD nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp).

GDĐH tách thành hai hướng: Hướng nghiên cứu/học thuật và hướng ứng dụng/chuyên nghiệp; đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

                                                                                                                                                                                                      Minh Phong (ghi)