Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động quay lại thị trường

  • 25/02/2019
  • 5272

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

ảnh 1

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay vẫn nặng giải quyết hậu quả 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018, cả nước có 12,68 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số thu 15.531 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm khoảng 26,2 lực lượng lao động trong độ tuổi; đồng thời, đã tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 763.573 người và chi trả kinh phí hỗ trợ học nghề cho 37.960 người.

Đánh giá về chính sách này, Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Quang Trung cho biết, kể từ khi chuyển chế độ bảo hiểm thất nghiệp sang thực hiện theo Luật Việc làm, đã có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động so với quy định trước đây của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng đầy đủ bốn chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ chín tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay vẫn nặng giải quyết hậu quả (khi người lao động đã rơi vào tình trạng thất nghiệp thì mới được hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo); nhẹ về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. au mười năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có một thực tế, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm còn quá ít so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, hiện nay là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách này còn hạn chế; nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đánh giá lại, tổng kết việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sẵn sàng cho việc sửa đổi Luật Việc làm khi thực hiện đề án về cải cách chính sách BHXH trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. 

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần hướng người lao động vào việc hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm, việc nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ là một trong những quyền lợi của người lao động, vì đây vẫn là nguồn lực lao động quan trọng cần có những biện pháp hỗ trợ để họ sớm quay trở lại thị trường lao động.

An Nhiên