Cần một chiến lược mới trong công tác xuất khẩu lao động

  • 14/02/2019
  • 3072

Đối với lĩnh vực XKLĐ, đây là lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá, tổ chức lại và có một chiến lược mới trong công tác XKLĐ - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Năm 2018, lĩnh vực việc làm và xuất khẩu lao động đã đạt được những kết quả ấn tượng, đặc biệt XKLĐ tiếp tục lập kỷ lục mới. Số người đi làm việc ở nước ngoài lên tới 142.000 người và là năm thứ 4 liên tiếp số lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt quá con số 100.000 người với thị trường chính là Nhật Bản (gần 70.000 người, Đài Loan hơn 60.000 người, Hàn Quốc gần 7000 người), 3 thị trường này chiếm 95% số người đi làm việc ở nước ngoài năm nay, đây đều là 3 thị trường có thu nhập cao và đối xử với lao động cũng tương đối tốt, tỷ lệ các thị trường nhiều rủi ro cũng giảm dần…

Trong năm 2018, việc mở rộng  thêm các thị trường mới cũng được chú trọng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có chuyến thăm và làm việc tại Rumani, Bungari và có những ký kết, đàm phán với Nga để ký kết Hiệp định đưa lao động Việt Nam đi làm việc có tổ chức ở Nga, quá trình đàm phán cơ bản là xong và có thể năm 2019 sẽ ký Hiệp định đó.

Năm nay cũng là năm mà những lời phàn nàn về lao động bị ngược đãi và hiện tượng doanh nghiệp thu phí cao cũng ít dần. Nguyên nhân là do Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra tốt, việc chấn chỉnh về công tác tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ người lao động ở thị trường nước ngoài cũng khá tốt.

Có thể nói, việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2018 khá tốt. Hiện có rất nhiều nước mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam, “cánh cửa” tiếp nhận lao động rất rộng mở với rất nhiều thị trường. Do đó, vấn đề bây giờ là nâng cao chất lượng nhân lực, lựa chọn những ngành nghề tốt, lựa chọn thị trường tốt cũng là bài toán đặt ra cho công tác XKLĐ. Ngoài ra, XKLĐ một ngành kinh doanh có điều kiện, và số lượng người đưa đi có ngưỡng, và vì thế có lẽ cũng phải tính đến những điều kiện khắt khe hơn đối với doanh nghiệp nếu như chúng ta muốn cải thiện và nâng cao chất lượng XKLĐ.

 

Cần một chiến lược mới trong công tác xuất khẩu lao động - Ảnh 1Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi tiếng Hàn cho lao động EPS năm 2018

 

Năm 2019 được coi là năm bản lề, năm để nhìn nhận đánh giá lại toàn bộ những quá trình triển khai của nửa nhiệm kỳ để chuẩn bị cho nửa nhiệm kỳ sau. Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt ra chủ trương xây dựng Chiến lược của ngành LĐ-TB&XH từ nay đến 2030 để phục vụ cho Đại hội Đảng sắp tới. Và chắc chắn trong chiến lược đó sẽ lựa chọn một số lĩnh vực trọng điểm cần phải tập trung trong đó có lĩnh vực việc làm và XKLĐ.

Đối với lĩnh vực XKLĐ, đây cũng là lúc chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá, tổ chức lại và có một chiến lược mới trong công tác XKLĐ. Mở rộng thị trường là tốt, nhưng cũng phải chú trọng nhiều hơn đến quyền lựa chọn thị trường, quyền đàm phán để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Công việc trước mắt là phải sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo chương trình mà Bộ LĐ-TB&XH đăng ký với Chính phủ, trong năm 2020 sẽ trình Quốc hội. Như vậy trong năm 2019 chúng ta phải tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện Luật này, phải sửa đổi căn bản để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia XKLĐ phải là doanh nghiệp mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo được Luật bao phủ hết đối tượng, điều chỉnh tất cả các hoạt động đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2019 cũng là năm chúng ta cần rà soát lại các doanh nghiệp XKLĐ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn là trong quý 1/2019 sẽ tổ chức Hội nghị về XKLĐ với tất cả doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thảo luận tất cả các vấn đề từ câu chuyện phí môi giới, hợp đồng, đào tạo, rồi hỗ trợ lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài và sau khi từ nước ngoài trở về. Sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì tất cả các vấn đề đó đều cần được nghiên cứu, đánh giá và thiết lập những điều kiện để đảm bảo những doanh nghiệp tham gia công tác XKLĐ đều là những doanh nghiệp tốt, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của lao động Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, cung cấp đầy đủ hơn thông tin cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần tập trung triển khai trong năm tới…

Theo baodansinh.vn