Tinh gọn bộ máy trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương

  • 29/01/2019
  • 6768

Chính sách tiền lương trong khu vực công ở Việt Nam hiện còn phức tạp, nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa tạo động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Từ những nội dung cơ bản về cải cách chính sách tiền lương (CCCSTL) đối với khu vực công, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII (ban hành ngày 21-5-2018) về CCCSTL đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nhiều điểm mới quan trọng, như: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Xác định mức tiền lương thấp nhất áp dụng trong khu vực công bảo đảm tương quan hợp lý với khu vực doanh nghiệp. Ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng…

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến quan hệ tích lũy và tiêu dùng, đến cân đối kinh tế vĩ mô, gắn với thị trường lao động và đời sống của hàng triệu người hưởng lương và phụ cấp. Trong khu vực công ở Việt Nam, tiền lương là nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước. Trong lần CCCSTL này, đã hướng tới tương quan hợp lý với khu vực thị trường, nhằm thu hút và giữ chân người tài để giúp khu vực công hoạt động hiệu quả hơn; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng, chống tham nhũng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động của quốc gia, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, CCCSTL phụ thuộc vào khả năng ngân sách nhà nước, đồng thời là vấn đề rất hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, đòi hỏi cân nhắc kỹ nhiều mặt, cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện cho phù hợp nhằm tạo sự thống nhất và quyết tâm cao trong quá trình thực hiện.

Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chính sách tiền lương mặc dù trải qua nhiều lần cải cách, vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập, là do tổ chức bộ máy hành chính rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Số lượng đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh trong những năm qua, làm cho đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn, ngày càng tăng, nhất là biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, dẫn đến tổng quỹ lương và phụ cấp ngày càng lớn. CCCSTL là yêu cầu khách quan, nhưng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần gắn lộ trình này với thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế và mấu chốt là công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Đây cũng là nội dung quan trọng được nêu trong các văn kiện của nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, được bàn thảo trong nhiều Hội nghị Trung ương khi thảo luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, về cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng.

Từ những nội dung cơ bản về CCCSTL đối với khu vực công, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, điều kiện quan trọng cho việc CCCSTL là triển khai hiệu quả các Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện cần bảo đảm phù hợp tình hình kinh tế, khả năng ngân sách nhà nước gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận ở các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người hưởng lương và toàn xã hội. Qua đó, thúc đẩy trở lại quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chất lượng hoạt động sự nghiệp dịch vụ công phục vụ nhân dân.

Theo đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các địa phương trong cả nước, nếu làm tốt công tác này, hằng năm mỗi nơi tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền chi lương. Thời gian qua, công tác này tuy có chuyển động tích cực, mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì thế, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII), quyết liệt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tạo nguồn bền vững cho CCCSTL. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, cần tiếp tục sửa đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để tránh sự chồng lấn và nhằm thu gọn đầu mối; thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) là đối với cơ quan, ngành dọc ở các địa phương tổ chức theo vùng, không nhất thiết tổ chức trên địa bàn của các tỉnh. Nếu nơi nào đã sắp xếp lại các đơn vị thì đề án vị trí việc làm phải xây dựng lại cho phù hợp điều kiện và chức năng, nhiệm vụ mới, trên cơ sở đó sẽ xác định về vấn đề biên chế. Cương quyết thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, giao ngân sách đồng thời với giao tinh giản biên chế, sớm sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, giải thể, sáp nhập các đơn vị hành chính và tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và giải thể các đơn vị sự nghiệp, xây dựng cơ chế để tăng cường tự chủ tại những nơi này... Kết quả thực hiện các nội dung này sẽ quyết định mức độ và lộ trình CCCSTL.

Nguồn: nhandan.com.vn