Sớm hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

  • 28/01/2019
  • 6416

Chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp sau 10 năm triển khai được coi là điểm tựa nhằm bù đắp cho người lao động khi mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, chính sách này mới chỉ tập trung hỗ trợ trợ cấp cho người lao động sau khi bị thất nghiệp. Việc hỗ trợ người lao động tham gia học nghề nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới chưa thật sự hiệu quả.

Sớm hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động làm hồ sơ và thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: DƯƠNG HÀ

Còn nhiều bất cập

Theo thống kê, sau 10 năm triển khai chính sách BH thất nghiệp, số người tham gia đã tăng nhanh. Năm 2009, cả nước mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BH thất nghiệp; đến hết năm 2018, con số này đạt hơn 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. 

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng cho thấy, số lượng người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hằng năm đang tăng, tỷ lệ tăng bình quân 12,5%/năm. Năm 2017, cả nước có 671.789 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 14% so với năm 2016); tất cả người lao động (NLĐ) hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), tạo điều kiện thuận lợi để đi khám, chữa bệnh BHYT và sớm trở lại thị trường lao động. Tổng số tiền chi trả cho các chế độ BH thất nghiệp năm 2017 tăng 36,31% so năm 2016.

Tuy nhiên, khảo sát tại các trung tâm dịch vụ việc làm, nhiều NLĐ chia sẻ, họ muốn nhận trợ cấp và tự đi tìm việc mới, bởi với mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hiện nay là một triệu đồng/người/tháng, chỉ mới đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản, ngành nghề được hỗ trợ đào tạo cũng chưa đa dạng, khó thu hút người học...

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ có thể gặp khó khăn do phát sinh một số trường hợp mà NLĐ không thể có một trong các văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Trường hợp NLĐ tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp... Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về BH thất nghiệp của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào quỹ BH thất nghiệp. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, chưa quan tâm đến quyền lợi BH thất nghiệp đối với NLĐ. Việc nhiều doanh nghiệp không đăng ký, chậm đăng ký tham gia BH thất nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ.

Với thực tế triển khai chính sách này, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ, chính sách BH thất nghiệp chưa thật sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi NLĐ dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BH thất nghiệp còn nhiều điểm bất cập. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp 

Trước những yêu cầu đổi mới, Nghị quyết 28 cũng nêu rõ: BH thất nghiệp được cải cách một cách toàn diện. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động; đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BH thất nghiệp trong khu vực phi chính thức; ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BH thất nghiệp. Đồng thời, phải triển khai có hiệu quả các chính sách BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thật sự là công cụ quản lý thị trường lao động.

Để hoàn thiện chính sách, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm bốn điều, trong đó tập trung vào những nội dung chính như: Về đóng BH thất nghiệp, bổ sung quy định về các trường hợp được coi là người đang đóng BH thất nghiệp, bao gồm cả trường hợp NLĐ có tháng liền trước của tháng có ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Bổ sung quy định thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng BH thất nghiệp. Bổ sung quy định về thời gian đóng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ trong trường hợp NLĐ có thời gian đóng BH thất nghiệp trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ BHXH do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng BH thất nghiệp…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/tháng thay vì một triệu đồng/người/tháng như hiện nay. Dự thảo nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng; quy định về thời hạn ban hành quyết định hỗ trợ học nghề từ 15 ngày lên 20 ngày cho phù hợp điều kiện được hỗ trợ học nghề. Sửa đổi, bổ sung nghề được hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa.

Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, để chính sách BH thất nghiệp sớm đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ thiết thực cho NLĐ trong việc học nghề và tìm việc làm. 

Minh Hằng (nhandan.com.vn)