Tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm xây dựng chiến lược an sinh xã hội cho 10 năm tới

  • 22/01/2019
  • 6680

“Tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành được chiến lược phát triển ngành, chiến lược an sinh xã hội cho 10 năm tới, hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh ...” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đưa ra tại buổi làm việc giữa Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2019, diễn ra sáng nay 21/01/2019. Đồng chí Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 tất cả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TBXH đều đạt và vượt kế hoạch, nhất các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, đã góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã. Đặc biệt với 3 đột phá mà Bộ LĐ-TBXH đã đặt ra, bao gồm: thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công, đã đem lại dấu ấn rất tích cực và đạt kết quả toàn diện. Cùng với đó, cải cách hành chính của Bộ đã tạo bước tiến vượt bậc, các lĩnh vực khác cũng có những bước tiến bộ.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2019 là năm bứt phá để ngành LĐ – TBXH hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội, do đó toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ 14 nội dung nhiệm vụ đề ra trong năm 2019, trong đó lựa chọn 3 vấn đề đột phá. Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành được chiến lược phát triển ngành, chiến lược an sinh cho 10 năm tới, hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh; tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ; trình Quốc hội sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình, sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

 

Thứ hai, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ ở 3 khía cạnh là tạo việc làm mới, tạo sự dịch chuyển từ phi chính thức sang chính thức, giảm được tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn nữa.

 

Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, tiến tới xây dựng cơ chế vừa khuyến khích doanh nghiệp và vừa bắt buộc doanh nghiệp khi tham gia vào giáo dục  nghề nghiệp.

 

Cùng với đó là quan tâm tới một số vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là quyết liệt với vấn đề bạo lực trẻ em, quản lý các cơ sở cai nghiện.

 

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các lĩnh vực của ngành đã được người dân ghi nhận, hài lòng

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, năm 2018 là năm Bộ LĐ-TBXH ghi dấu ấn đậm nét, có nhiều điểm đột phá như lĩnh vực người có công, việc làm… “Muốn đánh giá ngành chúng ta phải đánh giá sự hài lòng của người dân. Ngành có nhiều vấn đề bức xúc, nhưng đã được người dân ghi nhận, hài lòng” – ông Bùi Sỹ Lợi nói. Ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý trong thời gian tới, Bộ phải xây dựng chiến lược an sinh xã hội, trọng tâm là bao phủ BHXH đến toàn dân.  

 

Nhất trí cao với các nhiệm vụ mà Bộ LĐ-TBXH nêu ra trong đó trọng tâm là tập trung xây dựng thể chế, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo chương trình, Bộ Chính trị sẽ tổng kết Nghị quyết số 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có một số luật liên quan đến Bộ như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật bình đẳng giới (sửa đổi) ...

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao kết quả hoạt động của Bộ LĐ-TBXH năm 2018.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh,  với Bộ luật lao động (sửa đổi) dự kiến tháng 3 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà trước đó sẽ lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, địa phương, một số đối tượng chịu sự điều chỉnh về một số nội dung chính sách lớn của dự án Bộ luật, do đó đề nghị Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Ủy ban thực hiện tốt công tác truyền thông, cân nhắc vấn đề nào cần truyền thông sớm, vừa thăm dò vừa định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, các dự án luật khác cần được tổng kết kỹ lưỡng, có đánh giá các mối quan hệ xã hội mà luật pháp điều chỉnh

 

Về hoạt động giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2019 sẽ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2018, giám sát về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2018. Sau giám sát sẽ xây dựng Báo cáo giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu cần sẽ kiến nghị báo cáo Quốc hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý Bộ LĐ-TBXH cần rà soát trong tất cả các lĩnh vực của Bộ những nội dung nào còn thiếu Luật điều chỉnh cần quân tâm và bổ sung. Đồng thời đề nghị Bộ tiếp tục phối hợp với tốt với Ủy ban trong thời gian tới, có chia sẻ thông tin cùng các hoạt động khác như tham vấn, khảo sát, trao đổi đi đến thống nhất về quan điểm, chủ trương, những vấn đề lớn đối với cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng tiến độ

 

Cảm ơn Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn thời gian tới, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngoài trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, giám sát, cần dành sự quan tâm, chia sẻ, tiếp tục đồng hành cùng Bộ LĐ-TBXH để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Nguồn: molisa.gov.vn