Nâng cao năng lực lao động

  • 14/01/2019
  • 6287
Các chuyên gia dự báo về thị trường lao động (TTLĐ) trong thời gian tới sẽ chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, gia tăng sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Trước những đòi hỏi mới, Việt Nam cần những giải pháp đồng bộ để tiếp tục phát triển TTLĐ theo hướng hiện đại hóa, nhất là nâng cao chất lượng lao động, cải thiện nguồn cung lao động kỹ thuật trình độ cao...

Những năm qua, TTLĐ đã chuyển dịch tương đối mạnh mẽ, nhưng vẫn còn bất cập. Lực lượng lao động hiện nay mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Qua khảo sát, trong số 17 ngành kinh tế cấp I, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh lao động nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với số lượng lao động khoảng 38,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được dự báo cần nhiều nhân lực nhưng số lượng lao động chưa tới 16%; trong khi 11,73% lao động tập trung vào nhóm ngành bán lẻ, sửa chữa nhỏ... Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể, chúng ta vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang rất thiếu nhân lực ở phân khúc cao.

Hiện nay, cả nước có 55,11 triệu người lao động, tỷ lệ tham gia lao động luôn duy trì trên 70%. Cùng với đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng trưởng khá cao, từ 37% năm 2008 lên 58,6% năm 2018. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra tỷ lệ trên chủ yếu để đánh giá về chuyển dịch cơ cấu lao động. Bởi, trong quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp và phi chính thức sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, chỉ có 23,5% số lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận. Số còn lại chủ yếu là đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, mới được hướng dẫn đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong khi đó, quốc tế chỉ thừa nhận lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên, được cấp chứng chỉ nghề nghiệp. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta buộc phải quy chuẩn quốc tế về tiêu chí lao động qua đào tạo để có nguồn lao động chất lượng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Thế nên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp (bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp) dù tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 5,3%. Thậm chí, năng suất lao động của ngành chế biến, chế tạo Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan, Trung Quốc, bằng 1/10 so với Hàn Quốc, Nhật Mỹ... Bên cạnh đó, cả nước có tới 18,9 triệu lao động phi chính thức và ngay trong khu vực kinh tế chính thức cũng có 6,72 triệu người làm việc phi chính thức (chiếm 35,6%), đây được xem là những tác động bất lợi tới phát triển TTLĐ của Việt Nam.

Thời kỳ kỷ nguyên số đang tác động làm biến đổi TTLĐ, cụ thể nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công sẽ mất đi, đồng nghĩa với nhiều lao động sẽ mất việc làm, nhưng nó cũng mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ cao hơn.

Để khắc phục những hạn chế của TTLĐ, trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động. Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần khẩn trương phân tích và dự báo cung - cầu lao động, để kịp thời định hướng TTLĐ trong nước và tạo sự kết nối với TTLĐ quốc tế. Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề theo hướng trình độ chuyên môn cao, kỹ năng mới cho người lao động, cũng như năng lực đổi mới sáng tạo của lao động đáp ứng với các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất.

Nguồn: bienphong.com.vn