Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh sẽ “làm được gì” thay vì “biết gì”?

  • 10/01/2019
  • 5826

GiadinhNet - Nhiều ý kiến từ các địa phương cho rằng, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải nỗ lực đầu tư nhiều hơn nữa về nguồn lực đội ngũ giáo viên, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, để chương trình chính thức đi vào áp dụng từ năm 2020.

Tránh dạy học kiểu áp đặt, một chiều

Chiều 9/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại hội nghị, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên của Chương trình đã giới thiệu về các điểm mới của chương trình như việc trả lời câu hỏi học sinh học xong chương trình thì “làm được gì?” thay vì sẽ “biết được gì?” như chương trình cũ. Chương trình lần này phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, xuất phát từ mục tiêu giáo dục. Trên cơ sở xác định được mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra thì mới xác định nội dung và lên chương trình đào tạo cụ thể.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, chương trình không phải là khối đá mà là cơ thể sống, sau khi ra đời vẫn tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, dĩ nhiên chỉ là điều chỉnh các tiểu tiết. Bên cạnh đó, chương trình có sự phân hóa, cá thể hóa rất rõ, bởi năng lực là yếu tố có sẵn trong người kết hợp với thời gian tập luyện. Trong quá trình dạy học, giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần chỉ dẫn trong sách giáo khoa như trước đây, mà sẽ đóng vai trò tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế.

“Chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều… Tuy nhiên, để giảm tải một cách triệt để đòi hỏi phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tâm lý phụ huynh nặng về chuyện thi cử, đỗ đạt dẫn đến học sinh quá tải. Điều này nằm ngoài phạm vi của chương trình nên phụ thuộc vào nỗ lực của toàn xã hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay ở một số địa phương xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thừa môn học này nhưng lại thiếu ở môn học kia. Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ cùng các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Bộ cũng sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới. Ngoài ra, bồi dưỡng giáo viên sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến để đảm bảo giáo viên được bồi dưỡng liên tục, mọi lúc.

Chạy đua nâng cấp cơ sở vật chất

Một trong những lo ngại khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đó là điều kiện cơ sở vật chất, về vấn đề này ông Phạm Hùng Anh, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, đạt tỷ lệ 74,9%. Tuy nhiên, hiện nay sẽ thiếu nhiều phòng học, các trang thiết bị ở các bộ môn, nhất là các môn tin học, khoa học công nghệ, ngoại ngữ. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất, ưu tiên cho cấp tiểu học, nhất là lớp 1 để thực hiện chương trình mới, sau đó là các lớp, cấp học tiếp theo.

Chia sẻ về những khó khăn của địa phương mình, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh đã thực hiện các giải pháp để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu hơn 1.000 giáo viên phổ thông, nhất là ở môn Tin học và Tiếng Anh. Ngoài ra, kế hoạch bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất từ nay tới năm 2024 của tỉnh phải cần tới khoảng 8.000 tỷ đồng. Do đó, cần sự hỗ trợ nhiều về ngân sách, bố trí nguồn lực để địa phương triển khai chương trình”.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng: “Địa phương đã tích cực công tác chuẩn bị cho chương trình mới, nhất là về cơ sở vật chất đã được bổ sung, nâng cấp xóa phòng học tạm để kịp cho năm 2020. Tuy nhiên, về một số nội dung các môn học có giáo dục về địa phương. Đây là nội dung hay, nhưng rất khó khi thực hiện vì chưa biết chọn những nội dung nào vào giảng dạy. Bộ cần có hướng dẫn địa phương khi thực hiện”.

Trước những băn khoăn, lo lắng từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Định hướng tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực thay vì nội dung, cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học. Chương trình sẽ kế thừa những gì chương trình cũ còn tốt và sẽ chỉnh sửa, bổ sung những bất cập, bổ sung để phù hợp với xu thế quốc tế. Chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình. Theo đó, có hai hiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình”.

Theo Bộ GD&ĐT, lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2020 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2021 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, bao gồm: giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.

                                                                                                                                                                                                                     Quang Huy