“Đào tạo 9 +” gỡ nút thắt phân luồng? Bài 1: Sớm tham gia thị trường lao động

  • 14/12/2018
  • 5449

 Thay vì mất 5 năm học PTTH và trung cấp, các em học sinh lớp 9 chỉ cần 3 năm là có thể nhận bằng tốt nghiệp PTTH và ít nhất là bằng trung cấp nghề. Hướng đi này giúp các em lứa tuổi 18 - 20 hoàn toàn chủ động gia nhập thị trường lao động mà vẫn có thể tiếp tục vừa làm, vừa học lên trình độ cao hơn.

Lợi đã rõ

Không chỉ rút ngắn thời gian, chi phí cho người học mà đào tạo theo mô hình 9+ còn giảm áp lực về nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Mô hình này được áp dụng ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mô hình Kosen của Nhật đã tồn tại 60 năm, đến nay vẫn đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Kosen thực chất là mô hình đào tạo kỹ sư thực hành, bao gồm giáo dục cơ bản và giáo dục nghề nghiệp song song trong suốt 5 năm. Các môn học được phân bố một cách cân bằng, thích hợp với lứa tuổi. Những năm đầu tiên, đa số môn học thuộc kiến thức giáo dục cơ bản;  các môn học thuộc giáo dục nghề nghiệp sẽ được tăng dần vào các năm sau. Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) Nguyễn Tiến Tùng, Kosen sống lâu như vậy là vì luôn đề cao tính thực hành trong đào tạo.


Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc

“Đào tạo 9+” , cách gọi khác của mô hình đào tạo học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng nghề, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, mô hình này chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi phải chuẩn bị nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng khi thị trường cần thì mô hình 9+ là một lựa chọn.

Là một trong những đơn vị triển khai “đào tạo 9+” theo mô hình Kosen, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng không áp dụng máy móc mô hình này mà chỉ lựa chọn những yếu tố phù hợp với điều kiện của trường, như các hoạt động kết nối doanh nghiệp, tư vấn tuyển sinh, Học tập dựa trên dự án (project based learning), Học tập dựa trên vấn đề (problem based learning), Cải tiến liên tục (PDCA)… Những hoạt động này được thực hiện cho tất cả các ngành/nghề kỹ thuật, thậm chí áp dụng cho cả ngành phi kỹ thuật như kế toán.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, hàng năm trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức họp với ban cố vấn, lấy ý kiến của tất cả bên liên quan (gồm người sử dụng lao động, sinh viên, cựu sinh viên và giảng viên), từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo/cơ sở vật chất, đáp ứng các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. “Hình thức này chính là đào tạo theo chuẩn đầu ra (Students ourcome) mà Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc cũng đang áp dụng”, Phó Hiệu trưởng Nhà trường Lê Đình Kha chia sẻ.

Với mục tiêu nâng tầm thành một trường chất lượng cao theo mô hình Nhật Bản trong tương lai, Trường CĐ Công nghiệp và Thương mại (COIT) là một trong số ít trường thuộc Bộ Công thương triển khai nghiên cứu và áp dụng thí điểm mô hình Kosen từ năm 2016. Năm học 2018 - 2019 , dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, COIT bước đầu đạt được một số thành tựu như: Tạo ra một môi trường xanh - sạch - đẹp; tạo ra văn hóa 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), kính thích tính sáng tạo của người học (thông qua các hoạt động thi sáng tạo khoa học tại các hội thi Robocon trong trường hàng năm; thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên thông qua các hoạt động bồi dưỡng từ các chuyên gia Nhật; thiết lập nhiều quan hệ hợp tác có chiều sâu với các doanh nghiệp Nhật Bản (Toyota, Canon, Honda…). Hiện, nhà trường trở thành hạt nhân của hệ thống Kosen tại Việt Nam.

Nhưng không dễ thực hiện

Trên thực tế, đào tạo 9+ theo mô hình Kosen đã được áp dụng thành công ở nhiều nước có nền công nghiệp phát triển. Tại Việt Nam, Kosen cũng hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Với mô hình này, học sinh sẽ học liên tục 5 năm, từ lớp 9 và khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng nghề, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành mà không cần phải học và chờ liên thông như trước.

Nhiều thế mạnh như vậy nhưng mô hình này vẫn đang vấp phải những rào cản trong triển khai thực hiện. Theo Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Huế Trần Hữu Châu Giang, một trong số đó là việc không được chủ động chương trình học văn hóa. Khi áp dụng chương trình học văn hóa của hệ giáo dục thường xuyên để làm khối nền tảng cơ bản, nhà trường phải phụ thuộc vào các quy định của Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Huế. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc điều phối khối lượng kiến thức học để phù hợp với học sinh. Thay vì việc áp dụng chương trình Giáo dục thiết kế kỹ thuật (EDE - KOSEN) ở năm thứ ba, khi mà học sinh vừa có đủ kiến thức cũng như năng lực thực hiện thì nhà trường phải giảm bớt yêu cầu để áp dụng ở năm thứ hai, dành thời gian của năm thứ ba cho việc thi kỳ thi THPT Quốc gia.

Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, muốn áp dụng được Kosen cần phải thay đổi pháp luật về giáo dục và đào tạo. Tức là, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng qua chương trình đào tạo được phê duyệt (bảo đảm kiến thức văn hóa và chuyên môn). Và bằng tốt nghiệp Cao đẳng được liên thông lên trình độ cao hơn. Nếu làm được việc này, chúng ta mới hy vọng thành công trong việc phân luồng học sinh khi tốt nghiệp THCS và tiết kiệm được thời gian, chi phí đồng thời có được nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao. 

Tuy nhiên, các vấn đề trên chỉ mang tính kỹ thuật, quan trọng phải thay đổi nhận thức của xã hội trong việc hướng con em mình vào thực hành, thực nghề và thực nghiệp.

                                                                                                                                                                                            Theo Thái Bình/ daibieunhandan.vn