Kiểm soát thu nợ BHXH khi doanh nghiệp phá sản

  • 13/12/2018
  • 5575

BHXH Việt Nam ngày 10-12 cho biết tổng số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho gần 60.000 lao động tại các doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản, DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là hơn 1.000 tỉ đồng.

Để bảo vệ quyền thụ hưởng của người lao động tại các DN trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại khoản 3, điều 122 của Luật BHXH.

Kiểm soát thu nợ BHXH khi doanh nghiệp phá sản - Ảnh 1.

Công nhân một doanh nghiệp tại TP HCM hoang mang khi chủ bỏ trốn Ảnh: CAO HƯỜNG

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, quá trình xây dựng dự thảo nghị định đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt là về phương án xử lý đối với quyền, lợi ích của NLĐ mà Luật Ngân sách nhà nước và Luật BHXH (sửa đổi) đều không cho phép. Thứ hai là vướng về thẩm quyền do phạm vi quy định hướng tới của dự thảo nghị định vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để tìm phương án giải quyết phù hợp. 

K.An (nld.com.vn)