“Nút thắt" lao động thời hội nhập

  • 05/12/2018
  • 6591

Hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam tạo ra hàng chục triệu việc làm, nhưng tận dụng được cơ hội này như thế nào còn phụ thuộc vào việc trang bị kiến thức cho người lao động.

Đánh giá về thị trường lao động Việt Nam, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho hay, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động với 57 triệu người.

Theo ông Simon Matthews, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới như CPTPP, EVFTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang tạo ra hàng chục triệu việc làm cho nền kinh tế. “Đây là cơ hội lớn đối với thị trường lao động trong nước”, ông nói.

Song, để nắm bắt được cơ hội này, cần phải trang bị kiến thức cho lao động bởi nếu không, dòng dịch chuyển lao động chất lượng cao sẽ tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với lao động trong nước.

Báo cáo thị trường quí 2-2018 của ManpowerGroup đưa ra tại hội thảo "Hội nhập quốc tế: Nguồn nhân lực trong tương lai – Trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công" diễn ra ngày 3-12, cho thấy, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng cao. Hơn nữa, chỉ có 5% lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh.

“Đây là thách thức lớn đối với lao động trong nước trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Simon Matthews nói.

Nghiên cứu của ManpowerGroup cho thấy, hội nhập và CMCN 4.0 sẽ làm tăng nhu cầu nhân sự trong ngành IT, tiếp đến là các ngành liên quan tới dịch vụ chăm sóc khách hàng, lễ tân. Ngược lại, nhân viên hành chính, văn phòng được dự đoán sẽ sụt giảm do tự động hóa.

Để trang bị cho nguồn nhân lực trước sự thay đổi sắp tới, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, cho hay, trong vòng 5 năm tới, ba kỹ năng mềm quan trọng nhất đối với lao động là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo.

Vừa qua, Manpower đã tiến hành khảo sát 4.000 nhà tuyển dụng tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cảm thấy khó khăn gì khi tuyển dụng nhân sự so với năm trước? Kỹ năng mà doanh nghiệp cần ở người lao động là gì? Làm gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài?

Kết quả cho thấy, năm 2018 là năm tình trạng thiếu hụt nhân tài cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Các công ty có quy mô càng lớn, càng gặp thách thức trong việc tuyển dụng nhân tài.

Có 29% doanh nghiệp khảo sát cho thấy họ thiếu ứng viên; 20% cho rằng ứng viên thiếu kinh nghiệm và 27% nói rằng ứng viên của họ thiếu kỹ năng chuyên ngành hoặc kỹ năng mềm.

Chất lượng nguồn nhân lực là nút thắt để lao động tận dụng được cơ hội từ hội nhập - Ảnh: TD

Đặc biệt, 35% doanh nghiệp cho biết họ phải điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng của mình vì không tìm được nhân lực phù hợp

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho hay, trước tiên, doanh nghiệp cần tuyển người có khả năng học hỏi, bởi nếu lao động không có mong muốn học hỏi sẽ rất khó để họ có thể nâng cao kỹ năng của mình. Thứ hai, doanh nghiệp phải xác định được kỹ năng tương đồng với công việc mình tuyển dụng. Cuối cùng, lao động phải có kỹ năng trong kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp tại hội thảo cho hay, phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.

“Doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hoá và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết”, ông Diệp nói.

  Theo http://thesaigontimes.vn