Người lao động không coi trọng kỹ năng mềm vì chưa sinh lợi ngay!

  • 27/11/2018
  • 7155

Gặp khó khăn không biết cách chia sẻ, có bức xúc trong công việc hoặc không hài lòng với đồng nghiệp không biết cách bày tỏ, không biết cách kiềm chế cảm xúc… là những điểm yếu mà người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động phổ thông đang gặp phải. Tuy nhiên, NLĐ lại không có ý định cải thiện các kỹ năng mềm bởi chưa sinh lời ngay!

Mời 100 bạn thì chỉ 50 bạn đến!

Kỹ năng mềm hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: Kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới...

“Mới nghe qua, nhiều bạn sẽ mặc định kỹ năng mềm chỉ dành cho lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn, lao động phổ thông thì không cần, nhưng thực tế, các doanh nghiệp bây giờ khi tuyển dụng lao động phổ thông, họ đưa kỹ năng mềm vào tiêu chí”, bà Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp - JESC (thuộc Ban quản lý các KCX – CN TPHCM - HEPZA) chia sẻ. Bà Điệp kể lại câu chuyện một bạn nam bị doanh nghiệp đánh trượt tuyển dụng chỉ vì không trả lời được câu hỏi “vì sao bạn chọn công ty này”. Lý do nhà tuyển dụng đánh rớt ứng viên đó vì cho rằng bạn ấy thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cơ bản không có thì sau này sẽ rất khó làm việc.

Ứng viên nam đã học hết phổ thông, cao hơn 1m7, mặt mũi sáng láng, sức khỏe tốt thế nhưng lại rất rụt rè. Khi qua được vòng loại hồ sơ, các bạn được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp. Vì là lao động phổ thông nên nhà tuyển dụng cũng chỉ hỏi những câu đơn giản, thế nhưng bạn nam rất ấp úng. Bà Điệp chia sẻ: “Trong khi đó, để dự phòng cho các tình huống này, các cán bộ của JESC đã tổ chức các buổi training (huấn luyện) về kỹ năng khi đi ứng tuyển, thế nhưng mời 100 bạn thì chỉ có 50 bạn đến. Bạn nam bị nhà tuyển dụng đánh rớt là một trong những bạn không đến”.  Mặc dù thiếu kỹ năng nhưng có một thực tế, lực lượng lao động phổ thông chưa chú ý nhiều đến việc trang bị kỹ năng mềm cho mình.  “Các bạn không coi trọng việc trang bị kỹ năng mềm vì nó không sinh lợi ngay”, bà Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ.

“Kỹ năng mềm cho lao động phổ thông không phải là vấn đề gì to tát, có thể là giao tiếp đơn giản, biết trình bày những khó khăn của mình, đề xuất ý kiến với tổ trưởng… Ví dụ như trường hợp cụ thể của bạn nam công nhân vừa rồi, có thể bạn biết bạn câu trả lời, từng suy nghĩ đến nhưng không biết trả lời làm sao”, bà Điệp chia sẻ.

Có kỹ năng mềm, người lao động tránh nguy cơ bị thay thế

Theo Báo cáo Thị trường Quý 2 năm 2018 của ManpowerGroup, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động khá đông đảo với tổng số lao động lên đến hơn 57 triệu người. Tuy nhiên, có đến 40% số lao động này không có kỹ năng, 49% có kỹ năng trung bình và 11% có kỹ năng tay nghề cao. Tỉ lệ lao động không có kỹ năng ở VN đang gấp 4 lần so với tỉ lệ này ở nước láng giềng Thái Lan.

Trên thực tế, để giảm thiểu nguy cơ bị đào thải, người lao động đặc biệt là lao động giản đơn cần được đào tạo và nâng cấp kỹ năng, bao gồm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng mềm được xem là thế mạnh của con người mà máy móc không thể thay thế được.

Khảo sát Cuộc cách mạng kỹ năng 2.0 của ManpowerGroup cho thấy, trên toàn cầu có đến 45% nhà tuyển dụng đang “vò đầu bứt tai” đi tìm những ứng viên sở hữu các kỹ năng mềm như giao tiếp, phối hợp (làm việc nhóm), giải quyết vấn đề, tổ chức, dịch vụ khách hàng, lãnh đạo và quản lý. Chính sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm là bí quyết giúp ứng viên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và có cơ hội được tăng lương thưởng khi họ chuyển việc.

“Trong hội nghị NLĐ, tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại, anh chị em có vấn đề gì thì thoải mái trình bày. Anh chị thấy lương đủ sống không? Phúc lợi như vậy đã được chưa? Cần cải thiện gì không?... Tôi hỏi liên tục nhưng không một cánh tay nào đưa lên. Tôi mới gọi một bạn bất kỳ, tôi hỏi cuộc sống hiện tại ra sao? Con cái thế nào… Có nhiêu đó thôi mà mặt của bạn đã đỏ lên, nói không ra lời. Đấy là không có vấn đề gì giữa tôi và các bạn mà các bạn còn lúng túng thế, không biết khi ở dưới xưởng có vấn đề gì thì các bạn sẽ trình bày suy nghĩ của mình ra sao”, giám đốc một công ty gia công giày chia sẻ.

Theo vị này, NLĐ không có kỹ năng mềm, lỗi của NLĐ một phần là không chú ý trau dồi, cũng một phần do chủ doanh nghiệp, chỉ chú trọng đến sản xuất mà bỏ qua các chương trình rèn luyện kỹ năng cho NLĐ. Nhiều NLĐ nhìn rất hiền nhưng khi có chút việc thì “nổi máu” lên, đánh nhau, đó chính là không quản lý được cảm xúc.

“Từ cuộc trao đổi ở hội nghị NLĐ, tôi đã chủ động làm việc với công đoàn cơ sở, đề nghị công đoàn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, mời các chuyên gia về quản lý tài chính, quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp… về nói chuyện với anh chị em. Tất nhiên là một bộ phận không nhỏ anh chị em công nhân không chịu đến nhưng tôi nghĩ mình cũng nên kiên trì, kỹ năng mềm không sinh lời ngay nhưng về lâu dài nó rất hữu ích, không chỉ cho NLĐ mà còn cho cả doanh nghiệp”, vị giám đốc chia sẻ. Theo đó, doanh nghiệp được hưởng lợi từ kỹ năng mềm của NLĐ chính là hiệu quả công việc cao hơn, mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp được xây dựng hài hòa hơn…  

Theo https://laodongtre.laodong.vn