Đào tạo và đào tạo lại cho người lao động trong bối cảnh CMCN 4.0: Linh hoạt đào tạo lao động theo định hướng ứng dụng, chuẩn đầu ra

  • 13/11/2018
  • 7650

Ngày 9/11, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với tổ chức Hanns Sidel Foundation - HSF (CHLB Đức) đã tổ chức hội thảo “Đào tạo và đào tạo lại cho người lao động (NLĐ) trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”

Những thách thức từ CMCN 4.0

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Việt Nam với cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chất lượng LĐ còn thấp, khoảng 22% lực lượng LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, trong khi đó 38% LĐ làm việc trái ngành nghề đào tạo, dưới tác động của CMCN 4.0 yêu cầu về đào tạo và đào tạo lại càng quan trọng và cấp bách. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong các ngành kinh tế khi tiến hành đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập đang gặp khó khăn khi phải giải bài toán về nguồn nhân lực.

Linh hoạt đào tạo lao động theo định hướng ứng dụng, chuẩn đầu ra - Ảnh 1

Cần nâng cao tay nghề và kỹ năng cho người lao động

Ông Moritz Michel, Phó trưởng đại diện Văn phòng HSF tại Việt Nam cho rằng, CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng LĐ kỹ năng nghề cao, xuất hiện đông đảo tầng lớp LĐ sáng tạo trong các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục đào tạo, y tế, pháp luật… CMCN 4.0 với sự xuất hiện, áp dụng phổ biến siêu tự động hóa và siêu kết nối sẽ nâng cao năng suất của những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu việc làm mới. CMCN 4.0 làm phát sinh thị trường LĐ ngày càng tách biệt giữa 2 lĩnh vực “kỹ năng thấp/thu nhập thấp” và “kỹ năng cao/thu nhập cao”. Những ngành nghề sử dụng LĐ rẻ, kỹ năng thấp… sẽ bị mất đi lợi thế cạnh tranh, hậu quả là một phần lực lượng LĐ kỹ năng thấp có thể bị thải hồi. Tình hình sản xuất hiện nay cho thấy, rất nhiều ngành nghề sẽ mất việc vào tay robot. NLĐ thiếu kỹ năng trong nhóm này sẽ bị mất việc đầu tiên, do đó cần đào tạo nghề nghiệp cho họ để đương đầu với thách thức đó.

Cần nâng cao tay nghề và kỹ năng cho NLĐ

Dưới góc độ người sử dụng LĐ, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Quản lý tổng hợp CTCP ô tô JAC Việt Nam cho rằng, để thích ứng với CMCN 4.0, NLĐ tự nhận thức và muốn học thêm kiến thức, trang bị thêm khả năng thực hành với các thiết bị công nghệ mới và số hóa. Ở tầm vĩ mô, Bộ LĐ-TB&XH thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích và thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng phạm vi tập huấn, đào tạo công nghệ mới và số hóa cho xã hội. Đột phá trong tư duy “trường đào tạo gắn với nghiên cứu phát triển, đào tạo kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”; hoạch định và phân loại các kỹ năng LĐ, có lộ trình rõ ràng, giải pháp cho việc đầu tư, có mục tiêu kiểm chứng được. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề cần phải được bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành thông qua việc yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ, đến hiện trường tham gia thao tác thực hành nhưng với vai trò là người nghiên cứu học thuật, nắm bắt nguyên lý, tận dụng thiết bị của doanh nghiệp để hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo...

Theo thầy Trần Quang Huy, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát triển đào tạo nghề theo hướng mở và linh hoạt. Cần thiết kế chương trình đào tạo theo định hướng "ứng dụng", thường xuyên được cập nhật, "chuẩn đầu ra" các chương trình đào tạo được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được. Nâng cao số lượng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo hợp tác quốc tế. Việc xây dựng các chương trình đào tạo cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và điển hình trong lĩnh vực nghề nghiệp để kịp thời cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp và công nghệ mới. Mở rộng quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với các quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý giáo dục mở và tiên tiến. Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và chương trình đào tạo tiến tới công nhận bằng cấp hoặc đào tạo bằng kép.

Linh hoạt đào tạo lao động theo định hướng ứng dụng, chuẩn đầu ra - Ảnh 2

Chủ tọa hội thảo “Đào tạo và đào tạo lại cho người lao động trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”. 

Việc tổ chức và quản lý đào tạo cần được thực hiện mềm dẻo và linh hoạt, giúp người học chủ động lựa chọn chương trình và kế hoạch học tập phù hợp. Đào tạo nhiều cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng đến việc liên thông giữa các cấp trình độ. Bên cạnh đào tạo chuyên môn cũng cần đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp nhằm trang bị kỹ năng bổ trợ cho người học trong quá trình cạnh tranh nghề nghiệp sau khi ra trường.

Một yếu tố quan trọng khác trong giáo dục nghề nghiệp đón đầu xu thế CMCN 4.0 là năng lực đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp mới. Việc đầu tư ngân sách công là cần thiết nhưng không đủ nếu cơ sở đào tạo nghề không linh hoạt trong việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Kết hợp với doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng đào tạo hoặc có thể linh hoạt tiến hành đào tạo một số mô đun thực tế tại doanh nghiệp nhằm nâng cao trải nghiệm và kỹ năng thực tế cho người học. 

Nguồn:http://baodansinh.vn/