Nâng mức hỗ trợ thu hút người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

  • 07/11/2018
  • 4975

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hiện Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu, sửa đổi chính sách BHTN, chính sách việc làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như doanh nghiệp tham gia BHTN.

Doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được với chính sách

Đánh giá việc triển khai chính sách BHTN, Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN  thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia BHTN  là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia BHTN  là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỷ đồng. 

Cùng với đó công tác hỗ trợ học nghề ngày càng có chuyển biến tích cực, tính đến hết năm 2017 có khoảng 124 nghìn người được hỗ trợ học nghề. Những ngành nghề người lao động đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo,... Một số địa phương có tỷ lệ người lao động nhận được việc làm theo nghề đã học/tổng số người được hỗ trợ học nghề lớn là: Vĩnh Phúc chiếm trên 90%, Đồng Nai chiếm 55%, Bình Dương chiếm 38,12%…

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, thời gian vừa qua,  không có người sử dụng lao động hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nguyên nhân tình trạng trên do hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ này. Mặt khác, đây là một chế độ mới, các quy định về điều kiện hưởng rất chặt chẽ nên cũng là một rào cản dẫn đến người sử dụng lao động khó tiếp cận chế độ này.

Nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề

Xuất phát từ thực tế trên, tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến. Theo đó nhiều quy định đã được Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi, bổ sung trong đó có những quy định mới tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với những hỗ trợ từ quỹ BHTN. 

Về các chế độ BHTN, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm  cho người lao động theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất nâng mức 1,5 triệu đồng/người/tháng hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ban hành quyết định hỗ trợ học nghề từ 15 ngày lên 20 ngày để phù hợp với điều kiện được hỗ trợ học nghề. Sửa đổi, bổ sung nghề được hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa hơn... Đáng chú ý Bộ LĐTBXH đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng (quy định cũ là 1 triệu đồng/tháng). Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Để cải cách một cách toàn diện, thu hút người lao động, doanh nghiệp tham gia vào các chính sách BHXH, BHTN, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp mà còn đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới

Lê Minh Long (nguồn daidoanket.vn)