Hàng ngàn sinh viên bỏ học mỗi năm vì chọn nhầm ngành nghề

  • 05/11/2018
  • 5170

Hàng năm có hàng ngàn sinh viên bỏ học vì nhiều lý do trong đó có lý do vì chọn nhầm ngành, nghề.

Thông tin này được nêu ra tại hội thảo Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay 5.11.

Cần  đổi mới tự chủ về chương trình, hình thức đào tạo

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hàng năm trong hệ thống ĐH này có hàng ngàn  sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có do  chọn nhầm ngành  nghề.

“Phải chăng chúng ta đang tự trói tay mình rồi bất lực nhìn các em bỏ học mà đúng ra chúng ta hoàn toàn có thể dang tay ra đỡ các em để cùng các em đi tiếp? Phải chăng chúng ta đang tự trói tay mình trong quy định mở ngành để doanh nghiệp quay lưng lại với chúng ta? Phải chăng chúng ta đang tự trói tay mình về định mức học phí, phải đẻ ra nhiều hệ đào tạo khác nhau như chất lượng cao, đại trà, tiên tiến, liên kết, tài năng… trong khi một số trường ĐH bên ngoài đã tự cởi trói thu mức học phí đúng đủ đê có thể làm đuọc nhiều việc hơn, trong đó có một vài trường trở thành hình mẫu của ĐH VN ?”, ông Quân đặt vấn đề.

Từ đó, ông Quân cho rằng ĐH Quốc gia TP.HCM cần mạnh mẽ đổi mới tự chủ về chương trình, hình thức đào tạo.

Giáo dục đang biến con người thành máy móc?

PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng xã hội chúng ta hôm nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và của khoa học công nghệ, đang có xu hướng vật chất hoá, máy móc hoá. Máy móc vô hồn và thực hiện những công việc được liệt kê trước, lập trình trước. Cách duy nhất để con người cạnh tranh với máy móc là không tự biến mình thành máy móc. Hay nói cách khác, con người chúng ta phải học và phải có thể làm được những việc mà máy móc không làm được.

Tuy nhiên, theo ông  Quân: “Vấn đề hiện nay là phải chăng cách giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc? Tiêu chí tuyển sinh giống nhau, chương trình đào tạo chú trọng quá nhiều về nghề nghiệp, thiếu sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, chưa chú trọng đến sự tự chủ của cá nhân người học”.

Tiếp tục nhận định trên, ông Quân phân tích, phải chăng đó là vấn đề chưa sẵn sàng của sinh viên trong bối cảnh của của toàn cầu hoá, của sự thay đổi quá nhanh về công nghệ.

Ông Quân đặt vấn đề: “Có nhiều ngành nghề đang dần biến mất - những thợ sơn, thợ hàn và sắp tới sẽ là những thợ may, thợ xây sẽ do robot thực hiện. Có những nghề mới xuất hiện như: kỹ sư dữ liệu, shipper. Chúng ta liệu có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp mà bản thân nghề đó chưa tồn tại như cách mà chúng ta đang làm được không hay phải thay đổi? Phải dạy cho sinh viên khả năng thích nghi với nghề nghiệp mới, khả năng sáng tạo ra những nghề mới”.

“Phải có một tâm thế mở biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành thực tiễn, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề”, ông Quân nói.