Lao động nữ đang phải mang “gánh nặng kép”

  • 19/10/2018
  • 4954

Theo nghiên cứu vừa được Tổ chức Lao động thế giới (ILO) công bố, 86% lao động làm công ăn lương ở Việt Nam trong các ngành dệt may, da giày có thể bị mất việc do ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong thời Cách mạng 4.0. Các ngành này đang là những ngành thâm dụng lao động lớn nhất, trong đó công nhân chiếm đa số là nữ.

Ví dụ này cho thấy, lao động nữ đang chịu rất nhiều rủi ro công việc. Thế nhưng, theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phụ nữ vẫn phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 giờ mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm. Như vậy, họ vẫn đang mang “gánh nặng kép”, khi vừa phải làm việc, vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

Rủi ro việc làm

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động xã hội, lao động nữ chiếm tỷ trọng cao ở những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn như lao động giản đơn, nhân viên dịch vụ và bán hàng… Đặc biệt, khoảng cách giới trong dạy nghề và bậc học còn cao, thể hiện qua tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp hơn đáng kể so với nam.

Bên cạnh đó, lao động nữ vẫn tập trung làm việc nhiều nhất trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Chính vì thế lao động nữ thường có vị thế việc làm kém hơn lao động nam, tập trung ở nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương.

Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 giờ mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm. Như vậy, họ vẫn đang mang “gánh nặng kép”, khi vừa phải làm việc, vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

Theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, trong kỷ nguyên số, trong 10 năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa như nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ. Do đó lao động ở các ngành nghề này sẽ chịu nhiều rủi ro về việc làm.

 

Lao động nữ đang phải mang “gánh nặng kép” - Ảnh 1

Lao động nữ ở một số ngành như dệt may, da giày, lắp láp linh kiện điện tử đối mặt với nhiều rủi ro việc làm trong cuộc Cách mạng 4.0.

 

Ở Việt Nam, số phụ nữ hiện đang làm những công việc có khả năng sẽ chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới. Những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giày. Ông Vinh nhận định, lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm nghề có lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trình độ học vấn càng thấp, làm những việc giản đơn, người lao động có nguy cơ bị máy móc thay thế càng cao.

Trong khi đó, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dẫn chứng lao động nữ chiếm tới 63% tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đa số có tuổi đời từ 18 đến 24. Những ngành, nghề đang sử dụng nhiều lao động, có tỷ lệ lao động là nữ chiếm khoảng 80-90% như da giày, dệt may, chế biến thủy sản… có nguy cơ bị máy móc thay thế cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.

Thách thức cũng là cơ hội

Bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, sự phát triển của công nghệ số tiếp tục tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, các đối tượng lao động. Trong quá trình phát triển đó sẽ có ngành, nghề mất đi, một số công việc mới sẽ xuất hiện.

“Kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới. Đây cũng coi là cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động. Bởi vậy, thay vì lo lắng, người lao động, nhất là lao động nữ, cần mạnh dạn thay đổi, chủ động nắm bắt cơ hội”, bà Dương Kim Anh nói.

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hồng phân tích, Cách mạng 4.0 thực sự là thách thức đối với lao động nữ hiện nay bởi nhiều lý do như: trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động nữ còn thấp; nguy cơ mất việc làm trong một số ngành sử dụng nhiều lao động nữ như ngành may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử; những tác động đến con cái, gia đình, cuộc sống; cơ hội phát triển nghề nghiệp và bất bình đẳng đối với lao động nữ.

Do đó, để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, lao động nữ cần chủ động nâng cao nhận thức về Cách mạng 4.0 và nâng cao trình độ, tay nghề. Lao động nữ cần đi trước đón đầu tìm hiểu các thông tin cần thiết, để biết được một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.

Mỗi cá nhân lao động nữ cần nỗ lực tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Lao động nữ phải thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc.

“Trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các bằng cấp chưa đủ để quyết định hiệu quả trong công việc, mà đồng thời lao động nữ phải tạo cho mình các yếu tố đặc trưng về kỹ năng làm việc, khả năng sáng tạo, thích ứng, linh hoạt với công việc và giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học … Các yếu tố này được gọi là kỹ năng mềm. Những kỹ năng này có thể không được học trong nhà trường, mà cần sự trau dồi, rèn luyện của người lao động”, bà Hồng nói.

Theo baodansinh.vn