Giao chỉ tiêu - việc làm cần thiết

  • 10/10/2018
  • 6337

Theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ, năm 2019 là năm đầu tiên các địa phương sẽ phải xây dựng và thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm (BH) thất nghiệp.

Không chỉ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chỉ tiêu dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp xây dựng đã được quy định, Nghị quyết của Chính phủ còn đặt ra những mức "sàn" cụ thể để các địa phương xây dựng chỉ tiêu, đó là: tỷ lệ tổng số lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất 95% vào cuối năm 2020; tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của năm sau so với năm trước ít nhất là từ 30% đến 50%.

Thực tế cho thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH những năm qua, dù cơ quan thực hiện chính sách đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, cả nước mới có 13,9 triệu lao động tham gia BHXH, trong đó 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 300 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và 11,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Ðến tháng 9-2018, số người tham gia trong cả nước đã đạt 14,31 triệu, trong đó có 14,06 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Dù xét theo số tuyệt đối, tổng số người tham gia BHXH đã tăng tới hơn 10 triệu người so với những năm bắt đầu đổi mới chính sách và việc thực hiện chính sách BHXH, nhưng nếu so với mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn này và thời gian tới thì vẫn còn khoảng cách khá xa (tỷ lệ lao động tham gia BHXH mới chỉ đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH); tình trạng trốn tránh tham gia BHXH bắt buộc còn diễn ra khá phổ biến trong khu vực doanh nghiệp; tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với tiềm năng… Bởi vậy, việc Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho các địa phương được xem là một giải pháp rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một trong những cơ sở thực tế cho nhận định đó là những bước tiến lớn trong việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHYT, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các địa phương. Ðơn cử, nếu như năm 2014 cả nước mới có 64,5 triệu người tham gia BHYT, thì đến năm 2016, năm đầu tiên các địa phương thực hiện chỉ tiêu mở rộng BHYT, số người tham gia BHYT trong toàn quốc đã đạt 75,1 triệu và đến cuối tháng 9 vừa qua, cả nước đã có 82,3 triệu người (tương đương 87,6% số dân) tham gia BHYT, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Tất nhiên, kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua không chỉ đến từ việc "áp" những chỉ tiêu cụ thể, mà qua con số được giao đó, vấn đề trách nhiệm trong thực hiện chính sách tại các địa phương đã được ý thức rõ hơn và chuyển hóa thành những hành động cụ thể. Nếu như trước đó, chính quyền cũng như một số ngành liên quan ở không ít địa phương còn coi việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là việc riêng của ngành BHXH, thì hiện nay, đây đã được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Công tác quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền vận động, giám sát, phối hợp thực hiện… chính sách BHYT ngày càng được chú trọng.

Những "bài học" thực tế đó chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, việc triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ sẽ góp phần "giải tỏa" được những khó khăn, vướng mắc đang hiện hữu trong công tác thực hiện chính sách BHXH tại cơ sở, tác động tích cực tới việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo đúng mục tiêu đã xác định, qua đó bảo đảm cuộc sống cho người lao động cũng như gia đình họ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

THÀNH NAM (nguồn nhandan.com.vn)