Phát triển hệ thống GDNN mở, đáp ứng yêu cầu việc làm của thị trường lao động

  • 08/10/2018
  • 5787

Ngày 5/10/2018, tại TP.HCM, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - khởi nghiệp - việc làm bền vững”

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội GDNN&NCTXH Việt Nam, Nguyên bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH: TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH; TS. Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN; TS. Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục việc làm, cùng với hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ban,ngành,các viện nghiên cứu, các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến tham dự..    

Phát biểu khai mạc hội thảo TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH nhận định: “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt là để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề - tạo việc làm và là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0.

Phát triển hệ thống GDNN mở, đáp ứng yêu cầu việc làm của thị trường lao động - Ảnh 1

TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc buổi hội thảo.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Các loại hình thức đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh  cách mạng công nghiệp 4.0 đang nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển nguồn nhân lực, gắn giáo dục nghề nghiệp với sự dịch chuyển mau lẹ của thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những thế mạnh nêu trên, nếu không nhận thức đầy đủ và quả lý không hiệu quả thì giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt sẽ gặp những rủi ro liên quan đến chất lượng đào tạo, khó khăn trong việc thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ kỹ năng và trong việc tổ chức thực hiện”.

Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, đối thoại và thảo luận các nội dung:  Đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam, làm rõ khái niệm, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt.

Phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống GDNN mở,linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hoá, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động; Cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế, bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

Phát triển hệ thống GDNN mở, đáp ứng yêu cầu việc làm của thị trường lao động - Ảnh 2

Ông Phan Chính Thức, Phó chủ tịch Hội GDNN và CTXH trình bày tham luận tại Hội nghị

Định hướng, giải pháp, tác động của công nghệ thông tin cho việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạnh công nghiệp 4.0.

Nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp về hoàn thiện pháp luật, về cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, pháp luật về lao động, việc làm, xây dựng kế hoạch hành động cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm. 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe một số bài diễn giả của GS.TS Đào Trọng Thi – Nguyên chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ Quốc hội trình đã trình bày tham luận: Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt và liên thông.

Nguồn: http://baodansinh.vn/