Hoàn thiện chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

  • 28/09/2018
  • 8180

(PLO) - Sáng 27/9, thực hiện Kế hoạch năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý (HTPL) liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đối thoại lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định HTPL cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về HTPL cho doanh nghiệp. 

Hội nghị do Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú chủ trì với sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú cho rằng, việc xây dựng, ban hành Nghị định về HTPL cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thay thế Nghị định 66 là cần thiết, không chỉ quy định chi tiết chế định về hoạt động HTPL cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn khắc phục các vướng mắc, bất cập một số quy định trong Nghị định 66.

Hiện Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án: phương án 1 là quy định thêm về HTPL cho đối tượng doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, các doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa tùy thuộc vào nguồn lực HTPL của cơ quan có liên quan. Phương án 2 là không quy định thêm về vấn đề này. 

Để hoạt động HTPL ở các địa phương có điều kiện mở rộng thêm các đối tượng, ông Lữ Mai Thanh Tùng- Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Hà Nam nhất trí với phương án 1 và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét việc bổ sung đối tượng là “doanh nghiệp vừa và nhỏ có chủ sử dụng lao động, lao động là người khuyết tật” là một tiêu chí để xét ưu tiên giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau. 

Cũng nhất trí với phương án 1, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nhận định, trong thực tế, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn và cả hợp tác xã cũng đều cần HTPL. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại diện các cơ quan liên quan lựa chọn phương án 2, bởi vì mô hình của hợp tác xã còn nhỏ hơn cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu quy định thêm vào sẽ mất quyền lợi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, việc triển khai Luật ở các địa phương còn chậm, nhiều chính sách hỗ trợ của Luật chậm được cụ thể hóa, nhất là những điều khoản quy định về xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế, việc hoàn chỉnh để ban hành Nghị định về HTPL cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thay thế Nghị định 66 có ý nghĩa rất quan trọng.

Dự thảo Nghị định đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm đảm bảo công tác HTPL thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương. Điều này được thể hiện ở chế định liên quan đến giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đổi mới xây dựng chương trình HTPL cho doanh nghiệp và tăng cường tính minh bạch trong công tác HTPL cho doanh nghiệp; đổi mới về công tác giám sát, đánh giá. 

Đồng ý kiến với ông Bắc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phía Bắc (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Khương đề xuất dự thảo Nghị định cần quy định rõ hơn về mạng lưới tư vấn viên về tư vấn pháp luật, đặc biệt là ở các địa phương. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cần quy định rõ tiêu chí tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực HTPL tham gia vào mạng lưới như chứng chỉ, trình độ, kiến thức…; cơ chế sử dụng cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới để tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Cảm ơn nhiều ý kiến thiết thực tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú khẳng đinh, Nghị định về HTPL cho cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  sẽ là cơ sở pháp lý hiệu quả nhất cho các cơ quan nhà nước triển khai công tác HTPL đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” hiện nay và trong thời gian tới.

Theo "http://baophapluat.vn/"