Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức với giáo viên nghề

  • 25/09/2018
  • 6051

(LĐTĐ) Thị trường lao động sẽ có những thay đổi lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà các công việc giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi robot và yêu cầu làm chủ công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại ngày càng cao. Thực tế này đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải có sự thay đổi trong công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Với thông điệp “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp”, tại Hội giảng nhà giáo GDNN năm 2018 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ 15-21/9, mỗi nhà giáo tham gia Hội giảng phải chuẩn bị 3 bài giảng (1 bài giảng lý thuyết, 1 bài giảng thực hành, 1 bài giảng tích hợp) trong chương trình được phân công giảng dạy và đăng ký với Ban tổ chức Hội giảng trước ngày khai mạc Hội giảng 1 tháng.

cach mang cong nghiep 40 thach thuc voi giao vien nghe
Giáo viên trình giảng tại Tiểu ban Kỹ thuật điện I - Hội giảng nhà giáo GDNN năm 2018.

Trước ngày khai mạc Hội giảng 1 ngày, giáo viên sẽ bốc thăm chọn bài giảng chính thức (1 trong 3 bài giảng nhà giáo đã đăng ký). Với cách làm trên, Hội giảng lần này thực sự là bước đột phá trong đánh giá toàn diện năng lực của giáo viên.

Theo đó, năng lực của các giáo viên được xem xét dưới nhiều khía cạnh như: Bài giảng có phù hợp với học sinh; khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng có bảo đảm độ chính xác, khoa học gắn với thực tiễn; việc sử dụng đồ dùng, thiết bị giảng dạy; việc xử lý các tình huống sư phạm...

Đến với Hội giảng, thầy giáo Nguyễn Anh Dũng – Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc (đoàn TP Hà Nội) cho biết: Việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội giảng là cơ hội tốt để giáo viên dạy nghề trên mọi miền cả nước được học tập và quan sát, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Qua đó tự hoàn thiện kỹ năng giảng dạy cũng như kỹ năng sư phạm của mình, giúp học sinh, sinh viên có tay nghề tốt nhất phục vụ cho nghề nghiệp tương lai của mình.

Cũng theo thầy Dũng, trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng vì khoa học không ngừng thay đổi và mỗi người thầy luôn luôn phải tự đổi mới, tìm tòi kiến thức để phù hợp hơn với sự thay đổi của thời đại cũng như công nghệ, để áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhất vào giảng dạy, giúp học sinh đạt được tay nghề tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học và robot thế hệ mới xe tự lái, các vật liệu mới. Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng họ phải được trang bị kiến thức kỹ năng nghề tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ là công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Những yêu cầu này đặt ra thách thức đối với các nhà giáo GDNN trong việc cần tự đổi mới, hoàn thiện và nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.

Nhấn mạnh đến vai trò của nhà giáo trong công tác GDNN, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định: Trong mọi biến động của công nghệ, cuộc sống thì vai trò của người thầy luôn quan trọng, người thầy đóng vai trò nòng cốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi phương tiện, công cụ phương thức tương tác trong dạy học, từ đó tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nhà giáo.Trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực của người học, ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học và doanh nghiệp. Người thầy trong GDNN không chỉ là người đào tạo, trang bị các kỹ năng cho người học mà còn phải đóng vai trò kết nối người học với thị trường lao động.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, trong GDNN, nếu trước đây người học thường cố gắng điêu luyện một nghề thì nay hướng đến tư duy liên ngành và tính chuyên nghiệp trong học nghề, xã hội bớt chú trọng bằng cấp và trọng về phát triển kỹ năng. Do đó, người thầy không có cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực, nỗ lực để khẳng định mình.

P.Thảo – N.Lan