Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm

  • 17/09/2018
  • 6156

(HNM) - Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hồng Minh khẳng định: Tuyển sinh, đào tạo nghề sẽ gắn chặt với thị trường lao động, việc làm, để nâng cao chất lượng công tác này.

Chuyển biến tích cực

- Trước tiên, ông đánh giá thế nào về kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề trong những năm gần đây?

- Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực. Năm 2017, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước đã tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Số người tốt nghiệp các trường nghề lên tới gần 2 triệu người, trong đó có hơn 400.000 người tốt nghiệp hệ cao đẳng, trung cấp, góp phần bổ sung cho xã hội lực lượng lớn lao động qua đào tạo. Điều đáng mừng, cả nước có hơn 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay, với mức lương khởi điểm từ 4,6 đến 5,2 triệu đồng/người/tháng. Với các trường nghề có uy tín, tỷ lệ có việc làm ngay đạt 100%.

Năm 2018, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh được 2,2 triệu người, trong đó có 540.000 người học cao đẳng, trung cấp. Số người tốt nghiệp các trường nghề dự kiến khoảng 2,1 triệu người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23% đến 25% tổng số lao động trong độ tuổi. Theo tổng hợp nhanh tại các địa phương, đến cuối tháng 8, nhiều trường đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học 2018-2019. Dự kiến, công tác tuyển sinh học nghề năm 2018 đạt 100,5% kế hoạch và có khoảng 70%-80% số người có việc làm sau khi tốt nghiệp. Qua đó cho thấy, nhận thức chung của xã hội đối với việc học nghề, lập nghiệp có nhiều thay đổi, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của xã hội.

- Tìm việc làm sau đào tạo nghề là vấn đề được người học quan tâm. Ông có thể cho biết vấn đề này được đặt ra và giải quyết như thế nào?

- Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay là các trường nghề liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngay từ đầu vào, tức là tuyển sinh đi liền với tuyển dụng. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cam kết bảo đảm đầu ra cho người học bằng hợp đồng đào tạo giữa nhà trường, gia đình và học sinh, sinh viên. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội xét tuyển linh hoạt, vừa dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, vừa căn cứ vào kết quả học tập THPT của thí sinh. Nhiều trường nghề khác cũng tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng chính quy theo hướng chủ động đầu vào, cam kết đầu ra.

Đặc biệt, cơ hội với người học nghề rộng mở hơn khi Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 522/QĐ-TTg, ngày 14-5-2018; mô hình đào tạo hiện đại, như KOSEN của Nhật Bản, sẽ được áp dụng thí điểm tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, công tác tuyển sinh vào trường nghề vẫn còn một số bất cập. Những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại rất khó tuyển sinh, thậm chí có nghề không tuyển được…

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo

- Trước yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi ra sao, thưa ông?

- Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp, còn lại là trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đang rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Việc chuẩn hóa giáo viên, cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy… cũng được tính đến. Mô hình đào tạo chất lượng cao đã được triển khai thí điểm tại 45 trường; đồng thời mô hình nghề trọng điểm cũng từng bước mở rộng.

Đối với mô hình trường nghề chất lượng cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất lấy kinh phí từ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động để đầu tư cho các cơ sở được chọn thí điểm. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo mô hình chất lượng cao như: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình... đang phát huy hiệu quả.

Đến thời điểm này, mạng lưới trường công lập đã đào tạo 134 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực; 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trường thuộc doanh nghiệp nhà nước cũng lựa chọn đào tạo 64 ngành, nghề trọng điểm, gồm 18 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 28 ngành, nghề cấp độ khu vực; 64 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Đáng chú ý, ngành, nghề trọng điểm được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển theo hướng mở, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhờ phát triển mô hình trường chất lượng cao, nghề trọng điểm, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được chuẩn hóa. Đặc biệt, 25 trường thí điểm đào tạo 12 nghề theo tiêu chuẩn quốc tế chuyển giao từ Australia đã được bổ sung trang thiết bị.

- Ông có nói đến vai trò của doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề như thế nào?

- Trong những năm qua, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, doanh nghiệp cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo, cho người học tham gia các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực và quốc tế... Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành, cung cấp giảng viên cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người học vào làm việc tại doanh nghiệp hoặc tìm việc làm sau tốt nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm,... làm căn cứ cho mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu.

Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký hợp đồng và tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Điển hình là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã ký hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với hơn 16.000 người trong giai đoạn 2018-2020; Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, giới thiệu việc làm.

Dù hiệu quả đã được khẳng định, song vẫn còn khoảng 70% doanh nghiệp chưa nhiệt tình tham gia đào tạo nghề, vì đã quen sử dụng nguồn nhân lực có sẵn trong thị trường hoặc sử dụng lao động phổ thông để giảm thiểu chi phí. Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không ít trường thiếu năng động, không kết nối được với doanh nghiệp…

Tập trung ba nhóm giải pháp

- Theo ông, các bên liên quan cần thực hiện những giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững?

- Như tôi đã trao đổi, hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Trên tinh thần đó, tôi mong muốn các địa phương đầu tư nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, về nguồn lực con người; tích cực tổ chức hướng nghiệp trong các trường phổ thông, phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cập nhật chương trình giảng dạy bảo đảm tính thực tiễn, đón đầu xu hướng phát triển và chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp nên tham gia đào tạo với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là khách hàng. Mô hình “trường trong doanh nghiệp” cần được nhân rộng, phát huy...

- Còn những nhiệm vụ đặt ra với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là gì, thưa ông?

- Ngoài các giải pháp chung, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Đó là việc chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn nhà giáo, chuẩn cơ sở vật chất, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra; nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững...

Nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngay từ bây giờ Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn ông!
 
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                       Minh Ngọc (thực hiện)