Tăng cường liên kết giữa trường nghề các tỉnh miền núi với doanh nghiệp

  • 14/08/2018
  • 4739

“Chia lửa” với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên chất vấn sáng nay 13.8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường các giải pháp để liên kết, kết nối các trường nghề của các tỉnh miền núi với các doanh nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Chiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên, nhất là về lao động, việc làm nhưng việc bố trí việc làm còn hạn chế, nhất là sau đào tạo. Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết việc làm cho con em dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo? 

Về vấn đề tạo việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng đã trả lời chung về vấn đề đào tạo, tạo việc làm cho thanh niên nhất là thanh niên nông thôn của cả nước, trong đó có thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Theo kết quả điều tra của quý 2/2018, cả nước hiện có khoảng 313.000 thanh niên nông thôn đang thiếu việc làm và thất nghiệp. Hiện nhiều thanh niên nông thôn, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn. Thời gian qua, nhất là sau khi họp Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường các giải pháp để liên kết, kết nối các trường nghề của các tỉnh miền núi với các doanh nghiệp” - Bộ trưởng thông tin.

Về giải pháp tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng: Trước hết hiện chúng ta có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề và nâng cao trình độ đào tạo từ bồi dưỡng, đến sơ cấp, trung cấp. Làm tốt việc này là chủ trương đúng đắn. “Nếu có thời gian tôi sẽ cung cấp cho đại biểu kết quả hai năm qua chúng ta đã đào tạo được bao nhiêu” - Bộ trưởng nói.

Thứ hai, theo Bộ trưởng là phải thực hiện tốt hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vấn đề kết nối và đầu tư kinh phí cho chương trình này. Riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỷ lệ đầu tư gấp 4 lần bình quân chung, trong đó rất quan tâm đến việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Tới đây theo đề xuất của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung kinh phí cho chương trình này. Đây là cơ hội rất tốt để giải quyết việc này.

Giải pháp thứ 3, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là chúng ta phải tập trung đổi mới chương trình kết nối doanh nghiệp. “Hà Giang và Điện Biên là những tỉnh rất khó khăn trong đào tạo nghề và tạo việc làm. Nhưng tại Hà Giang, vừa rồi, chúng tôi đã sáp nhập lại 3 trường và kết nối với Cty Samsung, Cty Dệt may thì đến nay có 1900 học sinh, sinh viên trong đó phần lớn là sơ cấp và trung cấp được đào tạo và chuyển sang làm việc. Tức là đào tạo theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp nhận ngay từ đầu. Điện Biên cũng vậy. Cách làm này là hướng đi rất tốt nhưng cũng có một nhược điểm là không tạo được sự ổn định thanh niên ở địa bàn mà sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động” - Bộ trưởng thông tin.

Giải pháp thứ tư là tập trung chính sách xuất khẩu lao động cho khu vực đặc biệt khó khăn. Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm  2018 đến nay, chúng ta đã đưa được 613 người thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Về mặt chính sách, chúng ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số đi XKLĐ như: hỗ trợ toàn bộ phần đào tạo, hỗ trợ di chuyển và chính sách hỗ trợ ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên làm tốt, nhưng với thanh niên khu vực miền núi phía Bắc thì đang gặp khó khăn.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung về vấn đề này nhưng sẽ có sự thay đổi, ví dụ như  sắp tới sẽ đào tạo dài hơn, yêu cầu thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp hơn và phù hợp với tâm lý của các em. Nhìn chung, tâm lý của các em là không muốn ở một mình, về kỷ cương, nguyên tắc, tập quán cũng có sự khác biệt. Cho nên chúng ta phải thực hiện phương châm vừa dạy, vừa dỗ, thậm chí đi XKLĐ rồi vẫn phải bố trí 2, 3 em gần nhau cho vui chứ nếu không, các em mà  buồn là sẵn sàng bỏ về mất” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

CHÂU GIANG