Phái cử thực tập sinh hộ lý sang Nhật: Nhu cầu cao nhưng nhiều rào cản

  • 08/08/2018
  • 3016

Thực tập sinh hộ lý với những điều kiện ngành nghề đặc thù, cùng rào cản về ngôn ngữ, trong khi thu nhập có thể chỉ tương đương với những thực tập sinh các ngành khác đang là thách thức không nhỏ đối với chương trình phái cử thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản làm việc. 

Đây là một trong những nội dung chính tại Hội thảo phái cử và tiếp nhận thực tập sinh hộ lý do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 6/8 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. 

Phóng viên TTXVN tại Tokyo cho biết theo Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam với khoảng 126.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. 

[Việt Nam-Nhật Bản ký Bản ghi nhớ tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý]

Thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng phái cử thực tập sinh nhiều nhất vào Nhật Bản. Việc nước này mở thêm ngành thực tập sinh hộ lý mới đối với Việt Nam sẽ tiếp tục làm tăng nhanh hơn nữa số lượng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, giúp lao động Việt Nam có cơ hội về thu nhập, tiếp thu kiến thức, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, phái cử thực tập sinh hộ lý đang gặp nhiều thách thức về rào cản về trình độ ngoại ngữ, điều kiện ứng cử hà khắc...Cụ thể, ứng viên xuất cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật cấp N4 trong thang trình độ từ N1 (mức cao nhất) xuống N5 (mức thấp nhất) và phải đạt cấp N3 sau thời gian đào tạo 1 năm và thi chuyển giai đoạn. 

Trong khi đó, các ứng viên cũng phải đáp ứng điều kiện ngành nghề về việc phải qua đào tạo kỹ lưỡng trước khi xuất cảnh với các kỹ năng chăm sóc người già, người bệnh gồm hỗ trợ tắm rửa, ăn uống, đi vệ sinh, dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng... 
 

Toàn cảnh Hội thảo Phái cử và tiếp nhận thực tập sinh hộ lý tổ chức tại Tokyo. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)


Hội thảo đã được tổ chức sau khi đại diện cơ quan hữu quan của Việt Nam và Nhật Bản ký bản ghi nhớ về việc triển khai tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản ngày 3/8. 

Hội thảo đã thu hút được khoảng 200 đại biểu tham gia, chủ yếu đến từ các nghiệp đoàn lao động Nhật Bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phái cử lao động tại Việt Nam. 

Tại hội thảo này, các đại biểu tham dự cũng đã phân tích và tiềm kiếm giải pháp cho những thách thức nêu trên. 

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Phó Cục trưởng Phạm Viết Hương, hiện có 6 pháp nhân tại Việt Nam được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thí điểm phái cử thực tập sinh hộ lý. 

Sau thời gian thí điểm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có hướng dẫn về yêu cầu, điều kiện cụ thể và xem xét mở rộng thêm các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh hộ lý. Chi phí quản lý đối với thực tập sinh thời hạn 3 năm tại Nhật Bản cũng được quy định không được quá 3.600 USD, 1 năm không được quá 1.200 USD, nếu thực tập sinh được gia hạn lao động thêm năm thứ 4 hoặc thứ 5 mà không thay đổi, công ty và nghiệp đoàn không được thu thêm phí. 

Phát biểu tại hội thảo, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trường Sơn khẳng định Việt Nam đang là đối tác hàng đầu được Nhật Bản kỳ vọng trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh hộ lý - ngành nghề mà Nhật Bản hiện nay đang thiếu tới hàng chục nghìn lao động./. 

Theo vietnamplus.vn