Mở rộng loại việc được sử dụng lao động là người chưa thành niên

  • 16/07/2018
  • 5916

Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Thông tư ban hành danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên (NCTN), theo đó đã cho phép sử dụng người lao động chưa thành niên ở một số công việc mà quy định hiện hành không cho phép.

Thực hiện Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát, không được bố trí lao động chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác (quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Lao động 2012).

Không được sử dụng lao động là người chưa thành niên làm các công việc mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng.
Không được sử dụng lao động là người chưa thành niên làm các công việc mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động là NCTN làm các công việc:

Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của NCTN; Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; Phá dỡ các công trình xây dựng; Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ. Không được sử dụng NCTN làm việc ở các nơi: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp.

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra danh mục các công việc và nơi cấm sử dụng lao động là NCTN, theo đó, dự định bỏ một số công việc ra khỏi danh mục cấm so với quy định hiện hành.

Cụ thể, một số công việc vốn được xếp loại công việc rất nặng nhọc, tư thế lao động gò bó, công việc nguy hiểm, căng thẳng thần kinh, tâm lý hoặc chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao, như “Trực tiếp đào gốc cây có đường kính lớn hơn 40cm bằng phương pháp thủ công”, “Chế biến chượp, mắm tôm, mắm kem, nước mắm, thuỷ, hải sản khô”, “Công việc gác tàu, trông tàu trong âu, triền đá” do điều kiện lao động đã có nhiều cải thiện.

Bên cạnh đó, một số công việc sẽ được nghiên cứu tham khảo ý kiến để xác định phạm vi cấm sử dụng lao động là NCTN, như:

“Các công việc khai thác tổ yến tự nhiên; khai thác phân dơi” do “thường xuyên làm việc ngoài đảo xa, nơi cheo leo nguy hiểm, công việc nặng nhọc” (làm rõ thêm đặc điểm điều kiện lao động “nơi cheo leo nguy hiểm” do điều kiện lao động thay đổi, công việc khai thác tổ yến tự nhiên có thể thực hiện ở các khu vực không cheo leo nguy hiểm, có thể sử dụng lao động chưa thành niên), “Chế biến cà phê nhân xuất khẩu” (sẽ làm rõ cấm ở công đoạn nào).

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi một số công việc cấm sử dụng lao động là NCTN: “Sơ chế tre, nứa, mây, cói” (bổ sung thêm điều kiện lao động “Công việc nặng nhọc, tiếp xúc với hóa chất độc hại”), “Điều khiển cầu trục, cần trục, cổng trục, palăng điện, palăng xích kéo tay thuộc diện phải kiểm định kỹ thuật an toàn lao động” (sửa đổi để phù hợp với Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH), “Thợ lặn sâu hơn 10m khi lặn có các thiết bị hỗ trợ;

Sâu hơn 3m khi không có các thiết bị hỗ trợ” (sửa đổi dựa trên nghiên cứu của Bộ Y tế), “Các công việc đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy phải mang vác, gá đặt vật gia công nặng từ 20kg trở lên” (do ngoài đóng mới còn sửa chữa, ngoài tàu còn có các sản phẩm tương tự như sà lan, ụ nổi, phà), “Công việc trên giàn giáo hoặc trên rầm xà cao hơn 3 m so với sàn thao tác” (bỏ cụm từ “các công việc tương tự” do một số công việc diễn xiếc hay trèo, hái dừa có thể ở cao hơn 3m)... 

Theo phapluatplus.vn