Đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững

  • 05/07/2018
  • 7431

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 12 (Khóa XI) tổ chức ngày 3/7, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá thời gian vừa qua, tổ chức công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Chủ đề và những hoạt động của công đoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu là các chương trình Tết Sum vầy; Tháng Công nhân; Phúc lợi cho công nhân, người lao động... Các cấp công đoàn đã chú trọng đến nhóm người lao động yếu thế ở vùng sâu, xa, thu nhập thấp, có cuộc sống khó khăn... mang lại dấu ấn, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.

Bà Trương Thị Mai yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra, quan trọng nhất là tổ chức Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp; tiếp tục chú trọng đến những vấn đề có diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự... “Các hoạt động của công đoàn phải thực sự xứng đáng với chức năng chăm lo, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên mà trọng tâm chính là cuộc sống của người lao động; hướng tới đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững và thu nhập hợp lý” Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu quan trọng trên, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, tổ chức công đoàn tham gia vào vấn đề tiền lương của người lao động bằng nhiều cách thức khác nhau: Tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia; độc lập nghiên cứu tiền lương tối thiểu chính là mức sống tối thiểu của họ và gia đình họ ở những thời điểm khác nhau; độc lập công bố các mức lương bình quân của các ngành nghề các nhau để người lao động căn cứ vào đó ký hợp đồng ở các mức lương mà không bị thua thiệt cũng như căn cứ vào đó để thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải chú trọng đến việc nâng cao tay nghề cho người lao động; quan tâm đến sự an toàn cho công nhân tại nơi làm việc; giải quyết những vấn đề xung quanh quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ; làm tốt phúc lợi xã hội cho người lao động...

Công đoàn cần quan tâm nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định công đoàn là sự lựa chọn tốt nhất của người lao động trong hiện tại, tương lai và mãi mãi. Để xứng đánh với điều đó các cấp công đoàn cần lựa chọn những cán bộ có đủ trình độ, được người lao động tin yêu, quý trọng, tin cậy, xem đó là chỗ dựa cho cuộc sống của mình, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo nguyên Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cần phải chia nhóm vấn đề để có giải pháp hữu hiệu.

Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh chủ động tạo sân chơi tại chỗ cho công nhân lao động để họ không phải di chuyển xa. Đối với nhóm giải pháp nâng cao trình độ học vấn tay nghề cho công nhân lao động để công nhân đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập, LĐLĐ TP đẩy mạnh các phong trào thi đua, biểu dương khen thưởng công nhân đạt thành tích trong các phong trào thi đua; tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề, thi nâng bậc. Sau khi người lao động đạt giải, doanh nghiệp công nhận kết quả để nâng bậc lương cho người lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tạo điều kiện cho công nhân học tập ngay tại nơi làm việc cho mình, không phải di chuyển xa. Ngoài ra, các cấp công đoàn sâu sát với công nhân lao động để sớm phát hiện, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc của công nhân lao động.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2018, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động với nội dung, hình thức đa dạng nhằm chăm lo hiệu quả lợi ích của người lao động. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn.

Các cấp công đoàn chủ động đàm phán, ký kết 337 thỏa thuận mới với các đối tác và triển khai đến đoàn viên và người lao động của 70.070 công đoàn cơ sở. Hơn 1,26 triệu đoàn viên, người lao động đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối tác với giá trị đoàn viên được hưởng lợi tham gia chương trình là 449,1 tỷ đồng.

Về dự án xây dựng các thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, chăm sóc y tế... cho công nhân; phối hợp với 20 địa phương xác định được địa điểm đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương. Giai đoạn đầu, các dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Quảng Nam, Tiền Giang và Khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam được tập trung, hoàn thành xây dựng nhà mẫu...

Theo baomoi.com