Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

  • 04/07/2018
  • 7511

TCCS - Hơn 20 năm xây dựng và phát triển chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có bước đột phá, cải cách để chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội, đạt được mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân.

Ra đời từ những năm cuối thế kỷ XIX, các chính sách an sinh xã hội ban đầu chỉ là các chính sách trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước chi trả ở phạm vi hẹp dành cho đối tượng khó khăn nhất. Năm 1952, Hội nghị toàn thể thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước số 102 quy định về những tiêu chuẩn tối thiểu của hệ thống an sinh xã hội bao gồm 9 chế độ trợ cấp, cụ thể là: chăm sóc y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, trợ cấp tiền tuất, trợ cấp gia đình. Đến nay, chính sách an sinh xã hội đã phát triển thành hệ thống, với phạm vi và đối tượng bao phủ mở rộng theo điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của mỗi quốc gia. Chính sách bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội thế giới, ngày càng được chia sẻ nhiều hơn từ cộng đồng xã hội, khuyến khích người dân tham gia để tự bảo đảm an sinh cho chính mình nhằm đối phó với những rủi ro của cuộc sống trong quá trình phát triển, những rủi ro đó có thể do ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, rủi ro của tuổi già không còn khả năng lao động, thu nhập... 

Hơn 20 năm qua, từ khi xây dựng và phát triển, đường lối, quan điểm của Đảng đối với chính sách an sinh xã hội được thể hiện trực tiếp trong các văn bản: Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 26-5-1997, của Bộ Chính trị khóa VIII Về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, Kết luận số 23-KL/TW, ngày 29-5-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về một số vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 22-11-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI... Đường lối, quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa trong các đạo luật quan trọng, đó là Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006), sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Bảo hiểm y tế (năm 2008), sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Việc làm với chính sách bảo hiểm thất nghiệp (năm 2013); Luật An toàn vệ sinh lao động (năm 2015). Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 34 đã ghi nhận “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác(1). Trên cơ sở đó, từ năm 1995 chính sách bảo hiểm xã hội đã có bước thay đổi tích cực, với các giai đoạn phát triển, từ năm 1995 đến 2006, từ 2007 đến 2015 và từ 2016 đến nay phù hợp với quá trình sửa đổi luật pháp liên quan. Năm 2017 đã có 13,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội(2); hơn 11,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, bảo hiểm y tế - trụ cột an sinh xã hội thứ hai đã đạt được mục tiêu đề ra nhanh hơn, đạt mức 86,4% dân số (năm 2017), dự kiến đến năm 2020 sẽ có hơn 90% dân số tham gia. Đây là những nền tảng quan trọng cho việc phát triển chính sách an sinh xã hội trong điều kiện ngân sách quốc gia còn hạn hẹp và thu nhập của người dân đang ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.

Điểm tiến bộ đáng được ghi nhận trong chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam, đó là hệ thống chính sách an sinh xã hội được thiết kế tương đối toàn diện ở nhiều mức độ giải quyết rủi ro khác nhau, bao gồm các nhóm chính sách: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro phù hợp với điều kiện Việt Nam, xu hướng tiến bộ của thế giới. Hệ thống chính sách đang có bao gồm: bảo hiểm hưu trí - tử tuất, bảo hiểm ốm đau, thai sản; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, mạng lưới tổ chức thực hiện rộng khắp trong cả nước đến tận cơ sở nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách cho người dân. Các chính sách bảo hiểm xã hội chuyển dần từ tính chất tự nguyện sang chính sách bắt buộc và đang trong lộ trình tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức với sự tham gia rộng rãi của người dân. Hệ thống chính sách này thiết kế cho các đối tượng khác nhau tham gia và quan trọng hơn đó là có sự chia sẻ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động ở các mức độ khác nhau, tính chất chia sẻ này góp phần quan trọng để thay đổi tích cực hơn nhận thức của người dân, giảm bớt sự ỷ lại vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tăng tính bền vững cho chính sách. Quỹ Bảo hiểm xã hội đang trở thành quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, có sự bảo hộ của Nhà nước với sự tham gia của hàng chục triệu người để bảo đảm an sinh cho người dân trong hiện tại cũng như tương lai khi đến tuổi già.

Bên cạnh đó, tính chất công bằng trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội được thể hiện thông qua nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ. Nhà nước không tham gia một cách dàn trải mà chỉ hỗ trợ cho người khó khăn, yếm thế, dễ bị tổn thương, cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, lực lượng vũ trang,... để họ có thêm điều kiện tài chính tham gia như các đối tượng khác, không có sự hỗ trợ này hàng triệu người nghèo có thể sẽ rơi vào bần cùng, đói nghèo khi ốm đau, bệnh tật nặng, dài ngày... Quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất với mô hình tích lũy đang là quỹ dài hạn có tính chất chia sẻ giữa các thế hệ người lao động, các quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp) có tính chất chia sẻ giữa người lao động trong cùng một thế hệ.

Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là độ bao phủ còn rất thấp, chưa đạt được mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội còn hạn chế. Đến nay, tỷ lệ tham gia mới đạt được 29% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn khoảng 69,6% lực lượng lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp mới đạt gần 25% lực lượng lao động tham gia. Khu vực chính thức cũng chưa đạt được độ bao phủ 100%, khu vực phi chính thức dù đã có chính sách (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) nhưng đến nay chưa thể bố trí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, không có bước tiến triển khả quan về số lượng người tham gia. Đồng thời, chất lượng an sinh cũng là vấn đề cần quan tâm, mức lương hưu thấp không thể khuyến khích người lao động thay đổi nhận thức tự bảo đảm an sinh cho cuộc sống trong tương lai của mình khi về già, đồng thời dẫn đến việc lương hưu chưa thể độc lập với lương của người đang làm việc dù 2 hệ thống này hoàn toàn khác nhau về tính chất. Bên cạnh đó, các vấn đề bình đẳng theo nguyên tắc đóng - hưởng giữa khu vực công và khu vực tư, sàn lương hưu tối thiểu, Quỹ Bảo hiểm hưu trí đang giảm dần khả năng tích lũy và đứng trước nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, số người hưởng lương hưu ngày càng tăng cùng với tốc độ già hóa dân số... Tất cả những thách thức này đòi hỏi phải có bước đột phá, cải cách đối với chính sách bảo hiểm xã hội để tiếp tục thúc đẩy hệ thống chính sách an sinh xã hội phát triển theo hướng bền vững hơn, bảo đảm an sinh thực sự cho hàng chục triệu người lao động trong hiện tại cũng như tương lai, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước về lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội(3) đã tiếp tục phát triển quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với chính sách bảo hiểm xã hội trong tình hình mới, xem bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội; phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế với nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, sao cho mọi người dân đều được bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện chính sách tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và của hệ thống chính trị, với mục tiêu tổng quát là: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Với mục tiêu theo lộ trình 2021, 2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội.

Nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung vào những vấn đề cốt lõi sau:

Một là, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; tầng 1 do Nhà nước chịu trách nhiệm là chính sách trợ cấp hưu trí xã hội người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng, có khó khăn trong cuộc sống; tầng 2 do Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động tham gia là bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện chuyển dần sang bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân; tầng 3 do người sử dụng lao động và người lao động tham gia là bảo hiểm hưu trí bổ sung, mang tính chất tự nguyện, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập cao hơn tham gia.

Hai là, điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững.

Ba là, liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thiết kế nhiều gói bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc khi có đủ điều kiện.

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội gắn với củng cố niềm tin và tăng mức độ hài lòng của người tham gia.

Năm là, đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức phù hợp với Nghị quyết số 10-NQ/TW (năm 2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, khắc phục những bất hợp lý trong chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; sửa đổi mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để có thể đạt mức hưởng lương hưu tối đa; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, điều chỉnh lương hưu theo nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách đối với nhóm hưởng lương hưu quá thấp.

Để bảo đảm tính khả thi của mục tiêu và nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, những nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung chỉ đạo, đó là:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội... trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Những nhiệm vụ, giải pháp này kế thừa kinh nghiệm của hơn 20 năm triển khai chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cũng như tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ của chính sách an sinh xã hội trên thế giới. Chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ gắn với mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình phát triển của nền kinh tế, sự thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và sự tăng dần của lao động làm việc trong khu vực chính thức, năng lực quản trị của Nhà nước và tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận thức và thu nhập của người dân, những yếu tố đó nếu đạt được kết quả tích cực sẽ tạo cơ hội để tăng nhanh độ bao phủ cũng như chất lượng của chính sách bảo hiểm xã hội.

Để cải cách chính sách bảo hiểm xã hội thành công, đạt được hiệu quả mong muốn đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, của tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động. Công cuộc cải cách bảo hiểm xã hội còn đòi hỏi phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách an sinh, thấy được lợi ích thực sự của chính sách bảo hiểm xã hội đối với cuộc sống của mình, của gia đình mình và tự nguyện tham gia vào quá trình cải cách. Tỷ lệ người dân tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội ở mức độ nào sẽ là câu trả lời rõ ràng cho sự thành công của công cuộc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam./.

--------------------------------------------

(1) Trong số hơn 11 triệu người cao tuổi cả nước (từ 60 tuổi trở lên), số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 27%, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên chiếm khoảng 14,5% (1,6 triệu người). Như vậy nếu không tính đến gần 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng thì có 58,9% số người cao tuổi hiện không được nhận lương hưu, trợ giúp xã hội và phải làm việc để có thu nhập bảo đảm cuộc sống hoặc sống dựa vào mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức (con cháu, gia đình, dòng họ...)
(2) Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm 13,6 triệu người, bảo hiểm tự nguyện: 0,3 triệu người và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 13,6 triệu người
(3) Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Trương Thị MaiỦy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương