6 Lợi Ích Lớn Nhất Của Kinh Nghiệm Làm Việc

  • 02/07/2018
  • 7109

Thị trường việc làm là một nơi cạnh tranh gay gắt, gay gắt đến nỗi chỉ có bằng cấp thì không đủ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng – dù đó là bằng tiến sĩ vật lý thiên văn hay kỹ sư. Bằng cấp không chỉ không giúp bạn nổi bật hơn trong đám đông, mà thậm chí, nhà tuyển dụng chú trọng kinh nghiệm làm việc hơn là điểm cao và bằng cấp.

Vì thế, dù bạn đang học trung học phổ thông, muốn có được một khởi đầu thuận lợi trong cuộc cạnh tranh tương lai hay đang đặt chân đến những bước tiếp theo trong quá trình phát triển sự nghiệp, có được một ít kinh nghiệm làm việc có thể là tấm vé dẫn đến vị trí làm việc toàn thời gian.

Nhưng kinh nghiệm làm việc có lợi ích đến sự nghiệp của bạn như thế nào? Và vì sao nó lại quan trọng như vậy?

Hãy đọc tiếp và tự tìm hiểu.

1. Bạn sẽ phát triển kỹ năng liên quan

Cho dù đó là một vị trí làm việc ngắn hạn hoặc thực tập dài hạn, bạn sẽ trang bị cho mình nhiều kỹ năng liên quan (chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp và kỹ năng lãnh đạo) mà các nhà tuyển dụng cực kỳ ưa chuộng. Cũng như tên gọi của mình, những kỹ năng này có thể được ứng dụng trong nhiều vai trò hoặc ngành nghề khác nhau, và đây là điều mang lại cho họ (và bạn) giá trị.

Những kỹ năng này không chỉ thể hiện sự phù hợp về văn hóa của bạn với doanh nghiệp và môi trường làm việc mà chúng còn thể hiện những giá trị mà bạn mang đến cho doanh nghiệp. Chúng cũng rất tuyệt vời khi bạn cần vượt qua sự thiếu kinh nghiệm chuyên môn thực tế. Mặt khác, những kỹ năng này cũng khá nổi bật trên CV và thư xin việc đính kèm được viết một cách cẩn thận, vì vậy hãy nhớ ghi chúng vào những tài liệu trên nhé!

2. Bạn sẽ trải nghiệm thử nhiều thứ

Một trong những lợi ích của kinh nghiệm làm việc là nó cho phép bạn thử nghiệm môi trường trước khi thật sự dấn thân vào một vai trò, ngành nghề hoặc thậm chí là doanh nghiệp cụ thể.

Điều này đặc biệt đúng đối với những học sinh vừa ra trường đang không biết nên làm gì tiếp theo: họ nên học gì và họ có nên học đại học không? Về cơ bản, có được chút kinh nghiệm có thể giúp bạn tránh phạm phải những sai lầm tai hại (cả về tiền bạc lẫn thời gian) như chi £37.000 bảng và bốn năm tại trường đại học để học những điều mà bạn thậm chí còn không quan tâm.

Tất nhiên, việc thay đổi nghề nghiệp sau này không hề sai nếu bạn nhận ra đam mê thực sự của mình là thiết kế thiệp cưới thủ công chứ không phải ngân hàng đầu tư chẳng hạn. Nhưng khi bạn biết càng sớm con đường sự nghiệp cụ thể phù hợp với mình, bạn càng thực hiện nó tốt hơn. Và đó là vì bạn có thể tập trung tốt hơn vào quá trình tăng hạng trong nghề nghiệp lựa chọn thay vì lo lắng về mỗi quyết định nghề nghiệp đã thực hiện.

3. Kinh nghiệm giúp bạn dễ xin việc hơn

Tiếp tục phần trước, có kinh nghiệm về một lĩnh vực hoặc một công ty sẽ giúp bạn giành được ưu thế trong cuộc thi.

Hãy xem xét tình huống sau: hai sinh viên vừa mới tốt nghiệp đều nộp đơn cho cùng một công việc. Họ có cùng bằng cấp từ cùng một trường Đại học và CV của hai người họ tương đối giống nhau – điểm khác biệt duy nhất chính là một ứng viên đã hoàn thành chương trình thực tập không lương trong cùng ngành. Ứng viên đó sẽ ngay lập tức được nhà tuyển dụng chú ý hơn.

Điểm mấu chốt là sở hữu kinh nghiệm (của bất kỳ điều gì) có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn thật sự mong muốn phát triển bản thân và học hỏi những điều mới – điều này sẽ tăng cường khả năng được tuyển dụng của bạn. Kinh nghiệm là thứ bạn có thể đặt vào CV (thay vì điền vào chỗ trống một cách khô khan) và đó cũng là một chủ đề đối thoại tuyệt vời trong lúc phỏng vấn.

4. Kinh nghiệm có thể mang lại công việc toàn thời gian

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc có kính nghiệm hoặc từng tham gia chương trình thực tập chính là nó sẽ mang lại một lời mời tuyển dụng cho công việc toàn thời gian – giả định rằng bạn hoàn thành tốt vai trò. Nguyên nhân là vì nhà tuyển dụng mong muốn tuyển được người đã có kinh nghiệm về công ty hơn là phải đào tạo người mới. Nói cách khác, đừng coi thường cơ hội vì thậm chí làm việc không lương vẫn có thể giúp bạn có lợi thế sau này!

Thực tế, những sinh viên tham gia thực tập thường sẽ có khả năng được tuyển dụng cao gấp ba lần so với những người chưa có kinh nghiệm, căn cứ nghiên cứu do High Fliers Research thực hiện vào năm 2013. Điều này có nghĩa là bạn sẽ khó xin việc hơn nếu chỉ có bằng cấp vì những đối thủ giỏi hơn và có kinh nghiệm hơn sẽ cướp hết mọi công việc tốt ngay trước mặt bạn.

5. Nó sẽ giới thiệu bạn đến với thế giới công việc

Tầm quan trọng của kinh nghiệm làm việc với sự nghiệp lâu dài của bạn còn được thể hiện qua việc nó mang đến cho bạn cơ hội học các kỹ năng và quy trình mà bạn chỉ có thể học được trong môi trường làm việc. Bạn sẽ được trải nghiệm thực tế về cách mọi người làm việc cùng nhau, cách mọi thứ được thực hiện và công việc khác đi học Đại học như thế nào, điều này cơ bản giúp bạn bớt bỡ ngỡ khi từ sinh viên chuyển sang làm việc toàn thời gian.

Đây cũng là một cách tuyệt vời để trở thành người am hiểu công việc và học hỏi những điều nên làm và không nên làm tại nơi làm việc. Bạn sẽ được học cách sống sót trong môi trường văn phòng chẳng hạn như tránh xa việc ngồi lê đôi mách chuyện của người khác – ngay cả khi Linda có quan hệ với Mike nhưng Mike là người đồng tính và anh ta chỉ quen Linda vì muốn được thăng chức. (Cái gì? Văn phòng đôi khi cũng giống như vở kịch dài kỳ sến súa!)

6. Bạn sẽ mở rộng mạng lưới của mình

À, mạng lưới. Đó là một trong những thứ bạn có thể thích, có thể ghét hoặc ít nhất là phải chịu đựng. Đó cũng có thể là thứ quan trọng nhất mà bạn có thể làm để tìm kiếm công việc dễ dàng hơn.

Trong khi thực tập, bạn sẽ gặp gỡ – và làm việc cùng – rất nhiều chuyên gia. Những người này có thể giúp bạn nhiều hơn là việc chỉ dẫn thông thường và cung cấp cho bạn những thông tin quý giá về công ty, ngành nghề và vị trí. Họ cũng hữu ích vô cùng khi bạn đang tìm việc vì họ có thể chỉ cho bạn những vị trí phù hợp đang trống hoặc trực tiếp tiến cử bạn với khách hàng hoặc đối tác kinh doanh đang tìm kiếm người có kiến thức và kỹ năng như bạn. Ngay cả khi họ không thể giúp bạn tìm được việc làm, bạn vẫn có thể tận dụng bộ não của các chuyên gia trong ngành và hiểu rõ hơn về các khía cạnh trong ngoài lĩnh vực mục tiêu.

Bất kể điều gì xảy ra thì điều quan trọng là bạn phải giữ liên lạc với những chuyên gia này, ngay cả khi không còn làm việc chung vì bạn muốn chuyển đổi sang những chỗ làm tốt hơn. Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào cần họ giúp đỡ, vì vậy hãy gửi cho họ một email ngắn hoặc tin nhắn LinkedIn để nói “xin chào” và thường xuyên theo dõi hoạt động của họ.

Hãy nhớ: xây dựng (và duy trì) mạng lưới không chỉ là xem xét người khác có thể giúp gì cho bạn – bạn còn phải cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ người khác nữa!

Có nhiều hình thái kinh nghiệm làm việc, từ thực tập, thực tập không lương cho đến tình nguyện cho các công việc bán thời gian ở nước ngoài. Dù bạn sử dụng phương thức gì thì kết quả đều giống nhau – đó chính là bạn có thể trở thành một ứng viên hấp dẫn và giỏi giang trong mắt các nhà tuyển dụng.

Theo ieltsplanet.info