Lực lượng lao động Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN

  • 29/06/2018
  • 7273

Đó là thông tin được bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục việc làm phát biểu tại Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động" do Cục việc làm phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức mới đây.

Bà Lê Kim Dung cho biết Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, dân số năm 2018 ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động.

Lực lượng lao động Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN - Ảnh 1.

Việt Nam đang có lợi thế lớn về lực lượng lao động trẻ.

Tuy nhiên, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội,...

Do vậy, cần thúc đẩy sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với việc làm, giữa cơ sở đào tạo và người học nghề, người sử dụng lao động và người lao động,... Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững, chính phủ Việt Nam đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực được xem là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh về thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao và khoảng cách giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng thực tế hiện nay tại Việt Nam. Cần phải có một lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo một cách bài bản và phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Đó là chìa khóa tạo nên năng suất lao động cao hơn, thay đổi chất lượng cuộc sống và đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong tương lai. 

Ông Lee cũng cho rằng cần có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo,.... nhằm thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp tháo gỡ hợp lý và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nld.com.vn