Ngành BHXH thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nợ đọng, trốn đóng BHXH

  • 21/06/2018
  • 6749

(Taichinh) - Trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước diễn biến phức tạp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

10.450 tỷ đồng nợ tiền bảo hiểm

Tình trạng trốn, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các loại hình kinh tế khác nhau... Điều đáng nói, tình trạng nợ, trốn đóng tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các đơn vị, DN xảy ra từ nhiều năm nay có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên việc ngăn chặn tình trạng này vẫn gặp khó khăn.

Theo ông Mai Đình Thắng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến cuối tháng 5/2018, tổng số nợ tiền bảo hiểm tại các tỉnh, thành phố là 10.450 tỷ đồng, chiếm 4,7% so với kế hoạch phải thu năm 2018.

Tại Hà Nội, theo thống kê của BHXH TP. Hà Nội, tính đến tháng 5/2018, số tiền nợ gốc BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố là 2.155 tỷ đồng, chiếm 5,5% kế hoạch phải thu năm 2018. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/4/2018, toàn Thành phố có hơn 800 đơn vị, DN đang nợ tiền BHXH hơn 1.000 tỷ đồng. Trong số này, cá biệt có DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng nợ tới hơn 55,4 tỷ đồng; gần 10 DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có số nợ đọng BHXH mỗi đơn vị hơn 10 tỷ đồng…

Cần nhiều giải pháp mạnh

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng nợ đóng BHXH, ngành BHXH cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có số nợ đọng BHXH, BHYT lớn, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng BHXH, ngành BHXH và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường phối hợp, tập trung thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị, DN chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn, với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động phải tích cực tham gia, giám sát để đối thoại, đấu tranh với chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho người lao động.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, trong 6 tháng cuối năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT để kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

“Cùng với thanh, kiểm tra thì việc rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH trong phần mềm quản lý cũng đang được BHXH Việt Nam đẩy mạnh, tiến tới mục tiêu năm 2020, thực hiện quản lý sổ BHXH điện tử. Với hình thức này, người lao động sẽ dễ dàng quản lý, tra cứu quá trình đóng BHXH của mình, rút ngắn hơn nữa quy trình, thủ tục trong giải quyết các chế độ cho người tham gia”, ông Đào Việt Ánh cho biết.

Minh Hà - Báo Tài Chính