ĐÁNH GIÁ CUNG – CẦU LAO ĐỘNG TRONG 09 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

  • 10/10/2023
  • 1036

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tổng hợp, đánh giá về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc làm tại Trung tâm trong 09 tháng đầu năm 2023 như sau:

I. Tình hình cung - cầu lao động trong 09 tháng đầu năm 2023:

1. Về nhu cầu tuyển dụng trong 09 tháng đầu năm 2023:

- Trong 09 tháng đầu năm 2023, có 1.847 lượt đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm, với nhu cầu tuyển là 19.457 lượt người. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp cần tuyển giảm 105 lượt (-5,4%); số lao động cần tuyển giảm 27.844 lượt (-58,9%). Cụ thể theo biểu đồ sau:

2. Về nhu cầu tìm kiếm việc làm trong 09 tháng đầu năm 2023:

- Trong 09 tháng đầu năm 2023, số lượng hồ sơ tìm việc của người lao động nộp tại Trung tâm là 2.614 hồ sơ. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động giảm 967 hồ sơ (-27%). Cụ thể theo biểu đồ sau:

* Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm cùng suy giảm, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh hơn, dẫn đến chênh lệch cung – cầu lao động thu hẹp rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể theo biểu đồ sau:

II. Kết quả chắp nối cung - cầu lao động trong 09 tháng đầu năm 2023:

- Trong 09 tháng đầu năm 2023, mức chênh lệch cung – cầu lao động thu hẹp rõ rệt đã giảm áp lực cho công tác chắp nối cung – cầu lao động. Tuy vậy, trung tâm vẫn tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, điển hình như: chủ động sử dụng các công cụ trực tuyến như website, mạng xã hội, tờ rơi, phương tiện quảng cáo chứa mã QR,… để cung cấp thông tin tuyển dụng lao động nói riêng và thông tin thị trường lao động nói chung; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị việc làm; tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp;…

- Trong 09 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã giới thiệu 5.844 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó:

+ Lao động phổ thông được giới thiệu nhiều nhất, với tỷ lệ 39,7%. Lao động trình độ Trung cấp được giới thiệu thấp nhất, với 7,3%.

+ Lao động trình độ Đại học, Cao đẳng và Bằng nghề/Tay nghề được giới thiệu lần lượt với tỷ lệ là 28,9%, 13,0% và 11,1%.

Nhìn chung, Lao động phổ thông và Lao động trình độ Đại học tích cực tìm kiếm việc làm mới nên trung tâm đã tập trung giới thiệu việc làm cho nhóm lao động này; lao động trình độ Trung cấp ít thay đổi công việc nên số lượt giới thiệu việc làm thấp nhất. Cụ thể theo biểu đồ sau:

- Trong 09 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm sau giới thiệu bình quân là 35,5%. Trong đó:

+ Tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu của lao động trình độ Đại học và Lao động phổ thông dưới mức bình quân, lần lượt là 33,9% và 34,5%.

+ Tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu của lao động trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Bằng nghề/Tay nghề vượt mức bình quân, lần lượt là 38,2%, 38,7% và 38,1%.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng đang rất cần lao động nên hiệu suất trúng tuyển ở các cấp trình độ đều khá cao. Cụ thể theo biểu đồ sau:

* Các kết quả nêu trên phản ánh những nỗ lực liên tục của Trung tâm trong việc chắp nối cung – cầu lao động và đã đạt được những kết quả tích cực.

III. Nhận định xu hướng cung - cầu lao động trong 03 tháng cuối năm 2023:

- Dự kiến, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 03 tháng cuối năm 2023 tiếp tục duy trì phát triển nên cầu lao động sẽ tăng nhẹ. Trong khi đó nhu cầu tìm việc làm sẽ tăng cao do đây là thời điểm học sinh, sinh viên các trường THPT, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, dẫn đến chênh lệch cung - cầu lao động sẽ thu hẹp lại.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng Lao động phổ thông luôn duy trì ở mức khá cao. Nhu cầu tuyển dụng lao động các cấp trình độ còn lại sẽ không đồng đều - nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ Bằng nghề/Tay nghề, Trung cấp và Cao đẳng sẽ cao hơn nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ Đại học; phần nhiều tuyển dụng liên quan đến các vị trí công việc như công nhân sản xuất/lao động giản đơn, nhân viên bán hàng/phục vụ, nhân viên tư vấn tài chính/bất động sản, nhân viên kế toán, nhân viên tạp vụ/giúp việc gia đình, kỹ sư/kỹ thuật viên điện, nhân viên kinh doanh/thị trường, kỹ sư/kỹ thuật viên xây dựng, nhân viên marketing/truyền thông, nhân viên bảo vệ, kỹ sư/kỹ thuật viên nông nghiệp, kỹ sư/kỹ thuật viên cơ khí,…

- Nhu cầu tìm kiếm việc làm Lao động phổ thông và trình độ Đại học sẽ cao hơn nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các cấp trình độ còn lại; phần nhiều tìm kiếm việc làm liên quan đến các vị trí công việc như lái xe, tạp vụ, giúp việc gia đình, kế toán, công nhân, bảo vệ, bán hàng,…

Lao động có bằng Đại học sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong quá trình tìm việc do còn khoảng cách khá lớn giữa chất lượng nguồn nhân lực và yêu cầu của doanh nghiệp. Lao động phổ thông, Lao động có trình độ Bằng nghề/Tay nghề, Trung cấp và Cao đẳng sẽ dễ tìm kiếm việc làm hơn, tuy nhiên, cơ hội việc làm luôn cao hơn cho những lao động có sẵn kinh nghiệm, kỹ năng hoặc có tác phong, thái độ tốt.           

TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM ĐẮK LẮK