Để bảo hiểm thất nghiệp là điểm tựa cho người lao động

  • 11/05/2023
  • 2231

ĐCSVN) - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

 Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: MD)

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Bên cạnh đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. 

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh

Bộ LĐTBXH cho biết, những năm qua, số lượng đối tượng tham gia và quy mô của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh chóng, từng bước xã hội hóa nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, đến hết năm 2022 có khoảng 15.120.220 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm, tính đến cuối năm 2020 số tiền thu là 18.693 tỷ, dự toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2021-2022 khoảng 20 tỷ/năm, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5.669.322 đồng/tháng.

Cùng với đó, theo Bộ LĐTBXH, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng qua các năm do đối tượng tham gia tăng và người đủ điều kiện hưởng tăng: Năm 2015 có 526.279 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gấp 3,57 lần so với năm 2010. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách  tính thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2019 là khá ổn định. Năm 2021 có 764.643 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 29,68% so với năm 2020 (1.087.411 người). Trong 8  tháng đầu năm 2022 có 643.014 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 84,1% so với số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp  năm 2021).

Trong năm 2020, đại địch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, người lao động thất nghiệp và gia đình. Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.  

Bộ LĐTBXH khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” khi giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội. 

Vẫn còn nhiều hạn chế

Dù đạt nhiều kết quả, song theo Bộ LĐTBXH, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.  

Việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường hiệu quả, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp về đào tạo nghề, phòng ngừa thất nghiệp, duy trì việc làm.  

Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về bảo hiểm thất nghiệp, do đó, còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. 

Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc phát hiện người lao động có việc làm chủ yếu phụ thuộc vào ý  thức tự giác của người lao động hoặc do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện. Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc đi địa phương khác. 

Kinh phí và vấn đề nhân sự tại các trung tâm dịch vụ việc làm còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, định suất nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐTBXH từ năm 2011 đến nay chưa được bổ sung trong khi số người đề nghị và hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2011 dẫn đến khối lượng công việc của nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm rất lớn, đặc biệt là các trung tâm có nhiều lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh,  Bình Dương, Hà Nội... Trụ sở, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ về bảo hiểm thất nghiệp 

Ngoài ra, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thu - chi của ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐTBXH. Do đó, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

Để hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐTBXH cho biết cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan. Theo đó, cần tổ chức rà soát, phát hiện, sửa đổi và bổ  sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện các văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là cơ sở để xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất  nghiệp, các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng kinh phí, bố trí  nhân sự nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp. 

Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp: rà soát các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện việc thông báo biến động lao động của các doanh nghiệp; thực hiện việc thông báo hằng năm cho từng người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; chốt sổ bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”; tăng cường các giải pháp tích cực để tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp, chú trọng công tác thông tin thị trường lao động để hỗ trợ cho người thất nghiệp, tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch để người thất nghiệp tham gia; đồng thời có các biện pháp để hạn chế việc sa thải lao động của các doanh nghiệp; phát hiện các sai phạm, trục lợi về bảo hiểm thất nghiệp để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. 

Xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động về bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, thông tin thị  trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề. Không ngừng nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm  thất nghiệp: xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chia sẻ,  kết nối dữ liệu thu, chi bảo hiểm thất nghiệp giữa ngành bảo hiểm xã hội với dữ liệu tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐTBXH nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định…/.

Theo: MINH THƯ