Làm gì để giải bài toán thiếu hụt lao động?

  • 19/05/2022
  • 3033

Dù có nhiều chính sách đã ban hành, nhưng tình trạng doanh nghiệp 'khát' lao động để khôi phục và mở rộng sản xuất vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân được cho là thủ tục triển khai còn rườm rà, nhiều doanh nghiệp và người lao động không đủ điều kiện để triển khai.

Các chuyên gia lo ngại, nếu nguồn lao động không được cải thiện trong thời gian tới sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất, tăng năng suất, cơ hội phát triển của doanh nghiệp... đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch.

Thiếu lao động doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm 2022 có khoảng 1,3 triệu người thiếu việc làm, giảm 135.200 người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm vào khoảng 3%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước nhưng tăng 0,81 điểm phần trăm so với quý I/2021. Đồng thời, hiện có 75% lao động trong cả nước chưa có tay nghề, trình độ.

Thiếu hụt lao động có tay nghề, doanh nghiệp phải đẩy mạnh tuyển dụng lao động phổ thông và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ để đào tạo.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động. Đơn cử như ngành du lịch, có tới 80% lao động bỏ việc, nghỉ việc.

"Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn phải vay mượn lao động để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, thiếu hụt nghiêm trọng nhất vẫn là thiếu hụt kỹ năng lao động, điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất", ông Dũng nói.

Gần hai tháng đăng tin tuyển nhân sự ở những vị trí cốt cán như điều hành tour, quản lý kinh doanh, kế toán trưởng... thế nhưng công ty du lịch Skytour (Hà Nội) vẫn chưa tuyển được đủ người. “Doanh nghiệp chúng tôi cũng cố gắng đăng tin, trả lương hậu hĩnh hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng tình hình cũng chưa cải thiện”, đại diện công ty cho hay.

Tình trạng thiếu lao động tại các cụm, khu công nghiệp đã không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng không thể tuyển đủ lượng công nhân cần thiết.

"Đề án tái đào tạo nghề cho lao động theo Nghị quyết 68 chỉ còn 1,5 tháng để nhận hồ sơ đăng ký, 6 tháng để đào tạo, thời gian thế này quá ngắn để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu"

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Theo ông Nguyễn Hùng Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử FIVEFtech (KCN Nam Thăng Long), hiện nay công ty có nhu cầu mở rộng một số phân xưởng để đáp ứng tiến độ các đơn hàng đã ký, nhu cầu tuyển thêm khoảng 400 lao động. Nhưng thực tế chưa lúc nào đủ, bởi lao động mới tuyển liên tục nhưng vẫn không đáp ứng số lượng.

Kết quả đào tạo nghề chưa đạt như kỳ vọng

Thực tế, để giải quyết vấn đề thiếu lao động, thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, trong đó đề ra mục tiêu sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để tái đào tạo nghề cho lao động. Mặc dù chính sách nhân văn, tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận.

Chia sẻ tại Hội thảo: Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, được tổ chức ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cho biết, nhiều DNVVN cũng như người lao động chưa nắm được thông tin, trong khi có doanh nghiệp nắm được thông tin nhưng không đủ điều kiện để triển khai.

Báo cáo từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho thấy, tính đến tháng 5/2022, có trên 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, có 60 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho trên 30.000 lao động.

Sở LĐTB&XH của 14 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 36 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 9.000 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 54 tỷ đồng. Con số này còn quá ít so với kỳ vọng mục tiêu của đề án dành tới 4.500 tỷ để tái đào tạo nghề cho lao động.

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, Nghị quyết mới nên các khâu thực hiện còn nhiều lúng túng, thời gian, trình tự làm thủ tục còn bị kéo dài. "Thực tế quá trình làm hồ sơ để được phê duyệt mất quá nhiều thời gian. Lúc doanh nghiệp cần thì không được phê duyệt, lúc duyệt thì doanh nghiệp lại bận không thể đào tạo", bà Hường nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng ngại ngần về thủ tục, thanh tra, kiểm toán, sự phối hợp với nhà trường vẫn còn rời rạc, chưa xuyên suốt.

Ở góc độ vừa là doanh nghiệp vừa là cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long Biên, Tổng công ty May 10 chia sẻ: Việc triển khai Nghị quyết 68 là hết sức cần thiết và phù hợp với thực trạng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay. Rà soát quá trình triển khai cho thấy, công tác hướng dẫn thực hiện rất cụ thể nhưng cũng mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp.

"Nhìn chung, các doanh nghiệp còn chưa hiểu và chưa nắm rõ cách làm. Bên cạnh đó, thủ tục và các yêu cầu chứng minh năng lực, điều kiện thụ hưởng của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp còn máy móc và nhiều vướng mắc", ông Hà nói.

Theo https://vnbusiness.vn